Viết kịch bản radio hoàn toàn khác biệt so với viết trên social media hay website. Sự hấp dẫn của radio phần lớn nằm ở sự gần gũi, sự giao tiếp của giọng nói và đôi tai.

Nếu như ở các kênh trên người đọc có thể vừa đọc, vừa nghiền ngẫm, vừa quan sát hình ảnh để hiểu và ghi nhớ nội dung bài viết. Thì ở trên radio bạn phải tạo ra được nội dung thu hút để người đọc lắng nghe.

Trong rất nhiều thể loại viết đã trải qua thì viết kịch bản radio là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt, cho mình nhiều kinh nghiệm để nâng cao khả năng viết.

Dưới đây là 4 bài học mình đã rút ra trong quá trình làm việc.

1. Viết ngắn gọn, chặt chẽ

Không phải là video quảng cáo dài 3 – 5 phút hay một bài viết 1000 từ để thuyết phục người đọc, kịch bản radio bạn không thể viết dài dòng. Chỉ có khoảng 30s – 60s để truyền đạt thông điệp đến người nghe. Trong thời gian đó, bạn cần thu hút sự chú ý, giải thích lý do tại sao họ nên mua sản phẩm và mua sản phẩm ở đâu. 

Khi nghe radio, các thính giả chỉ lắng nghe một cách tuyến tính và chỉ tiếp tục nghe bất cứ điều gì tiếp theo. Vậy nên, tuyệt đối không được phép thừa từ. Hãy cắt bỏ bất cứ thứ gì bạn không cần.

Lời khuyên: Khi viết kịch bản radio hãy sử dụng từ đơn giản, đúng chỗ, giọng chủ động, danh từ và tính từ chính xác, ngữ pháp rõ ràng. Mỗi câu chỉ mang MỘT ý. Khi đã nắm vững các quy tắc trên bạn có thể áp dụng vào mọi thứ bạn viết. Viết quảng cáo TVC trong vòng 30s. Viết giới thiệu về sản phẩm trong vòng 60s trước đại lý, phần giới thiệu về bản thân trong vòng 30s…

Điều giá trị nhất của tất cả các cây viết tài năng là không bao giờ sử dụng hai từ khi chỉ cần một từ đã có thể diễn tả được ý muốn truyền tải – Thomas Jefferson.

2. Học cách biên tập

Đây là cách mình viết kịch bản quảng cáo trên radio.

Đầu tiên, mình bắt đầu với một bản nháp. Sau đó, đọc qua, chỉnh sửa. Rồi để nguyên như vậy và đi làm việc khác (lướt facebook chẳng hạn).

Một tiếng sau, mình trở lại và bắt đầu đọc nó thành tiếng, vừa đọc, vừa bấm thời gian. Và bạn biết đấy, lúc nào nó cũng quá dài. Vì vậy, mình phải bắt đầu cắt từ. Từ 3p xuống dần 2p30s rồi 2p. Khi không biết cắt phần nào nữa, mình lại bỏ kịch bản sang một bên và làm việc khác.

Vài tiếng sau, mình quay lại và tiếp tục đọc nó. Lạ thay những từ mà trước đó nghĩ không thể bỏ thì phát hiện ra có thể xóa nó đi hoặc thay thế bằng những từ đơn giản hơn, ngắn gọn hơn. Dần dần, có thể đảm bảo trong vòng 45s cho một quảng cáo 60s.

Tại sao là 45s? Bạn biết đấy, quảng cáo radio cần để không gian cho âm thanh – nó sẽ giúp bạn tạo hiệu ứng tốt hơn. 

Lời khuyên: Không chỉ viết kịch bản radio, bạn nên áp dụng với tất cả các bài viết khác của mình. Bạn sẽ thấy bài viết trở nên ngắn gọn, dễ hiểu và chất lượng tăng lên đáng kể đấy.

3. Viết kịch bản radio theo phong cách văn hội thoại

Hãy nhớ rằng: viết kịch bản radio hoàn toàn khác với bài đăng mạng xã hội bởi viết cho tai khác với viết cho mắt. Con mắt dễ hình dung hơn rất nhiều. Và nó có thể quay lại bất cứ nội dung nào thấy khó hiểu.

Còn đối với thính giả, họ chỉ nghe một lần. Nếu họ không hiểu một điểm chính trong câu chuyện, họ sẽ bị xao nhãng và vậy là bản tin đã thất bại. 

Caroline Raphael – Ủy viên đài 4 của BBC Caroline nói: “Viết kịch bản radio là công việc không phải dành cho tất cả mọi người. Nếu bạn đang nghĩ đến việc viết cho chúng tôi, bạn phải thử viết mà không có bất kỳ hình ảnh nào. Hãy thử chỉ viết đối thoại – một số cây viết không thích điều đó vì họ quen với cách viết trực quan. Nghe có vẻ hiển nhiên nhưng bạn không thể hiển thị mọi thứ qua radio, bởi mọi thứ hoàn toàn phải thể hiện qua lời nói. Nhân vật phải hoàn toàn xuất hiện thông qua đối thoại và điều đó khó hơn nhiều so với bạn nghĩ.”

Vậy nên khi viết kịch bản radio, chúng ta phải luôn nhớ rằng chúng ta là người kể chuyện. Chúng ta phải khiến câu chuyện trở nên logic, mạch lạc, nên có mở đầu, giữa và kết thúc.

Không nên chỉ đọc các sự kiện và số liệu, hãy giải thích ý nghĩa của những sự kiện đó. Bạn cần một tư duy logic, sắp xếp và chọn học nội dung để truyền tải đúng thông điệp yêu cầu.

Lời khuyên: Hãy dùng ngôn từ để vẽ nên bức tranh, chỉ kể/mô tả những gì đang diễn ra để độc giả tự rút ra kết luận. Dùng thì hiện tại, dùng thể chủ động…

4. Tuân theo các quy tắc

Viết kịch bản radio, bạn cần tuân theo các nguyên tắc nhất định, ví dụ như:

  • Không nên sử dụng những từ bóng bẩy, chơi chữ. 
  • Các tên riêng nước ngoài cần được phiên âm rõ. 
  • Không viết tắt (ví dụ HLHPNVN, TƯMTTQVN …). 
  • Không dùng biệt ngữ, không dùng các từ mơ hồ. 
  • Tránh từ đồng nghĩa hoặc các biến thể.
  • Không dùng con số dài để tránh đọc nhầm (Ví dụ: hãy viết 150 triệu thay cho 150.000.000)
  • Không viết tắt các đơn vị đo lường (Ví dụ: viết rõ là mét khối thay cho m3, hécta thay cho ha)
  • Không gửi tin khi chưa thử đọc thành tiếng chính bài viết của mình.
Bạn có thể theo dõi các chương trình của kênh VOV giao thông để học hỏi kinh nghiệm viết kịch bản radio
Bạn có thể theo dõi các chương trình của kênh VOV giao thông để học hỏi kinh nghiệm viết kịch bản radio

Một số bí quyết viết kịch bản radio dành cho bạn:

  • Không nên đưa thông tin về số điện thoại của doanh nghiệp trong đoạn quảng cáo. Bởi vì bạn biết đấy, ít ai có thể nhớ được một dãy các con số. Thay vào đó hãy nhắc thính giả về tên thương hiệu để họ ghi nhớ dễ hơn.
  • Kết hợp đa kênh truyền thông để tối ưu hiệu quả quảng cáo.
  • Hãy sáng tạo trong nội dung để thu hút ngay sự chú ý của thính giả nghe đài.
  • Cân nhắc kỹ giá của các thời lượng quảng cáo. Mức giá giữa thời lượng quảng cáo 30s thường có mức giá chỉ rẻ hơn 1/3 so với thời lượng 60s.
  • Hãy nhấn mạnh nội dung quan trọng bằng cách lặp lại nó.
  • Đừng quên kêu gọi hành động để đáp lại nội dung quảng cáo.

Không quá khó để bắt tay vào viết kịch bản radio đầu tiên. Tuy nhiên, để có một sản phẩm chất lượng đòi hỏi bạn phải nắm được những yếu tố quan trọng.

Cùng với đó là việc không ngừng luyện tập, nghe các chương trình radio thường xuyên để học hỏi cách viết của các BTV chuyên nghiệp.

Hãy thử nghiệm những bí kíp trên với kịch bản radio sắp tới của bạn nhé.

——————–

Bạn quan tâm đến ẩm thực và muốn phát triển kỹ thuật viết lách trong lĩnh vực này? 

Tham gia cộng đồng những cây viết về ẩm thực. Nơi cùng nhau học tập, chia sẻ, thảo luận, tìm kiếm các cơ hội liên quan tới viết lách, viết về ẩm thực tại: Yêu viết lách, mê ẩm thực.

Hãy đăng ký MIỄN PHÍ ngay ebook: “Hướng dẫn chi tiết cách viết nội dung ẩm thực” – tài liệu “cầm tay chỉ việc” để có thể trở thành cây viết ẩm thực và tự sáng tạo nội dung cho thương hiệu của mình TẠI ĐÂY.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.