Trong thế giới cạnh tranh, không ai muốn lãng phí thời gian và công sức hơn mức cần thiết. Do đó, muốn xây dựng blog một cách hiệu quả, bạn cần biết cách sử dụng các công cụ xây dựng blog một cách thông minh.. Từ đó, giúp bạn hoàn thành công việc sớm hơn, chất lượng cao hơn và có thêm thời gian cho gia đình, bản thân.
Sau khi bài viết: 4 bí kíp giúp bạn chọn chủ đề blog dễ dàng hơn bao giờ hếtcủa mình được đăng tải, rất nhiều bạn đã gửi cho mình câu hỏi là:
- làm sao để có thể tạo một trang blog được tối ưu?
- sử dụng các công cụ gì để giúp bài viết trở nên hiệu quả?
- làm sao để check SEO cho bài viết?
- tìm ý tưởng bài viết ở đâu?
Mình nhận thấy rằng, có rất nhiều bạn muốn phát triển blog nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm công cụ hỗ trợ. Thú thực, giai đoạn đầu mình cũng như vậy. Tuy nhiên, sau thời gian ngụp lặn trong các group content, đọc tài liệu. Và nhất là nhờ sự hỗ trợ của chồng thì mình đã biết được kha khá các công cụ xây dựng blog hiệu quả.
Sự thật là có tới hàng ngàn công cụ xây dựng blog được tạo ra. Nhưng không phải tất cả chúng đều hữu ích và phù hợp với bạn. Vì vậy, thay vì cứ cập nhật vô tội vạ để rồi mất quá nhiều thời gian. Bạn cần phải chọn lọc những công cụ tốt nhất.

Và mình sẽ chia sẻ lại tất tần tật những kiến thức hữu ích ấy tại đây cho bạn. Nếu bạn cũng đang muốn tối ưu blog và xây dựng blog hiệu quả hơn thì đây thực sự là những gì bạn cần lưu tâm. Đừng quên chia sẻ bài viết này để nhiều blogger cùng biết. Còn nếu bạn chưa biết cách lập muộn blog như thế nào, hãy xem hướng dẫn tại đây.
Trước khi bắt đầu, cần lưu ý là những công cụ xây dựng blog dưới đây mình sử dụng trên nền tảng WordPress. Nó cũng sẽ hoạt động với hầu hết các nền tảng xây dựng trang web, nhưng bạn cần kiểm tra kỹ xem có phù hợp với blog của bạn hay không. Nếu các công cụ cùng chức năng bạn đang cài đặt vẫn hoạt động tốt thì không nhất thiết phải thay đổi lại công cụ mình giới thiệu tại đây.
Công cụ xây dựng blog
1. Tên Miền
Tên miền đóng vai trò là một địa chỉ trên internet. Nói dễ hiểu thì nó giống như là địa chỉ nhà để giúp mọi người hoặc thiết bị tìm được blog của bạn giữa hàng ngàn blog khác nhau. Ví dụ: tên miền blog của mình là www.chuyencuatra.com. Để xây dựng blog, bạn cần chọn tên miền chưa có ai đăng ký sử dụng.
Một số gợi ý giúp bạn chọn tên miền tốt hơn đó là:
- Nên chọn tên miền .com vì nó phổ biến nhất. Sau đó mới tính đến tên miền .org, .net và .edu. Nếu bạn sử dụng ở Việt Nam thì có thể chọn tên miền .vn
- Nên chọn tên miền ngắn gọn, dễ nhớ
- Chọn tên miền tùy vào mục đích xây dựng blog. Nếu bạn muốn xây thương hiệu cá nhân thì nên chọn có tên của mình. Còn bạn muốn xây dựng blog chuyên sâu về lĩnh vực nào đó thì nên chọn chủ đề.
Thông thường giá tên miền .com sẽ là 299.000đ/năm.
2. Dịch vụ Hosting
Hosting là dịch vụ online giúp bạn xuất bản website hoặc ứng dụng web lên Internet. Đây là công cụ xây dựng blog bắt buộc bạn cần phải có. Sau khi đăng ký dịch vụ hosting, công ty hosting sẽ cung cấp cho bạn một không gian lưu trữ web trên server. Nó sẽ chứa tất cả các files và dữ liệu cần thiết để website của bạn chạy được.
Để khi người dùng gõ tên miền lên thanh địa chỉ của trình duyệt hoặc click vào link web của bạn thì hosting sẽ chuyển toàn bộ files cần thiết từ server xuống trình duyệt đó. Nói cho dễ hiểu thì blog là ngôi nhà của bạn, hosting là miếng đất để đặt ngôi nhà đó, còn tên miền chính là địa chỉ giúp phân biệt giữa hàng ngàn ngôi nhà khác nhau.
Việc chọn gói hosting phù hợp với nhu cầu rất quan trọng để đảm bảo blog của bạn được hoạt động tốt và tốc độ truy cập tối ưu với người dùng.
Nếu bạn không biết lựa chọn đơn vị nào phù hợp, không rành về công nghệ hoặc muốn mua gói chất lượng cao với giá ưu đãi, hãy inbox cho mình tại đây, mình sẽ giúp bạn có tên miền và hosting nhanh nhất. Hoặc bạn có thể tham khảo dịch vụ Setup blog từ A – Z tại đây.
3. Giao diện
Giao diện (theme) bao gồm tất cả những gì xuất hiện trên blog của bạn như: thông tin, hình ảnh, video, màu sắc, bố cục, danh mục… Nói dễ hiểu thì giao diện chính là hình thức bên ngoài khi nhìn vào ngôi nhà của bạn.

Một giao diện đẹp và chuyên nghiệp sẽ thu hút được người xem và tạo ấn tượng với họ. Dưới đây là một số tiêu chí của một giao diện tốt:
- Có độ hài hòa về màu sắc và hình ảnh
- Cần có sự khác biệt (dù là nhỏ) để tạo ra điểm nhấn
- Cần phải truyền tải đi những thông điệp nhất định
- Có sự bố trí hợp lý giữa các thanh chức năng, hiển thị và các nội dung chính phụ kết hợp
- Giúp cho người đọc dễ dàng phân loại và tìm ra thứ mình cần
Mình có gợi ý 5 Theme WordPress miễn phí cực hấp dẫn cho lĩnh vực ẩm thực bạn có thể xem thêm để có gợi ý cho blog của mình.
4. Nền tảng blog
Nếu bạn muốn xây dựng một blog, điều đầu tiên (và quan trọng nhất) là chọn nơi viết blog ở đâu. Có rất nhiều nền tảng bạn có thể dùng để tạo một blog chuẩn. Dựa trên độ phổ biến, tính năng và mức độ sử dụng, các nền tảng viết blog tốt nhất hiện nay bao gồm:
- WordPress: là một trong những nền tảng blog phổ biến nhất, chiếm đến hơn 19% số website trên Internet hiện nay. Bạn có thể sử dụng WordPress để tạo ra các trang web từ đơn giản đến phức tạp với trình sử dụng khá đơn giản.
- Blogger: nền tảng blog miễn phí và dễ sử dụng đến từ Google. Tuy nhiên, độ phức tạp và sự đa dạng thì có lẽ không thể so được với WordPress Plugin. Tuy nhiên, tại Việt Nam cộng đồng Blogger không còn mạnh như trước vì đa phần họ đã chuyển sang sử dụng các nền tảng khác.
- Joomla!: một nền tảng blog nổi tiếng không kém gì WordPress. Nó cho bạn khả năng thiết lập trang web rộng hơn so với WordPress. Tuy nhiên, nó lại không có nhiều themes và extension như là WordPress.
- Drupal: một nền tảng được ưa chuộng khác bên cạnh bên cạnh WordPress và Joomla! Tuy nhiên, nền tảng này phù hợp với website của công ty hơn blog vì nó cực kỳ bảo mật nhưng hơi khó để thiết lập nếu bạn không phải là một lập trình viên có kinh nghiệm.
Mình đang sử dụng nền tảng WordPress cho blog của mình vì thấy nó dễ sử dụng, dễ mở rộng, được đa số người dùng lựa chọn. Tùy vào sở thích, các bạn có thể tự chọn nền tảng phù hợp.
Công cụ nghiên cứu từ khóa
Đây được coi là bước quan trọng nhất trong quá trình viết bài chuẩn SEO. Nghiên cứu từ khoá hiệu quả là việc xác định những cụm từ có nghĩa mà người dùng sử dụng để truy vấn kết quả trong các bộ máy tìm kiếm. Từ khóa có lượng tìm kiếm lớn tức là nhu cầu của khách hàng lớn. Khi mình viết bài liên quan đến từ khóa đó thì khả năng truy cập sẽ cao hơn, từ đó tăng traffic cho website và bán hàng.
5. Google Keywords Planner
Ở bài viết Hướng dẫn chi tiết cách viết bài chuẩn SEO cơ bản mình đã đề cập đến công cụ này để nghiên cứu từ khóa. Nó sẽ giúp bạn nghiên cứu từ khóa và hoạch định chiến lược nội dung của mình. Bạn chỉ cần nhập ý tưởng hoặc chủ đề vào mục tìm kiếm và sau đó sẽ nhận được các gợi ý từ khóa liên quan đến chủ đề/ý tưởng đó.

Công cụ lập kế hoạch từ khóa được sử dụng miễn phí nhưng bạn bắt buộc phải có tài khoản Google Ads để sử dụng nên bạn cần đăng ký trước nha.
6. Keywordtool.io
Để tối ưu hóa blog của bạn trên trang xếp hạng của Google thì cách tốt nhất là thực hiện nghiên cứu từ khóa tốt. Tương tự như Google Keywords Planner, Keywordtool.io cho phép bạn tìm hiểu những gì người dùng đang tìm kiếm trên Google và tạo từ khóa xung quanh những chủ đề này.

Bạn có thể sử dụng công cụ này miễn phí và thậm chí không cần tạo tài khoản mà có thể có thể tìm kiếm ngay.
7. Google Trends
Nhiều blogger sử dụng Công cụ lập kế hoạch từ khóa kết hợp với Google Trends để cập nhật được những từ khóa hot đang được người dùng quan tâm.
Bạn sẽ thấy khối lượng tìm kiếm dao động như thế nào theo thời gian cũng như các chủ đề và truy vấn liên quan. Giúp bạn tạo chiến lược nội dung kết hợp các xu hướng theo mùa, đáp ứng ngay nhu cầu mà người dùng đang tìm kiếm.

Xem thêm cách sử dụng các công cụ này tại đây.
Công cụ check SEO
Công cụ SEO (SEO tool) là những công cụ xây dựng blog hỗ trợ kỹ thuật cho người làm SEO bao gồm: kiểm tra, đo lường và cải thiện kết quả SEO.
Một số công cụ SEO phổ biến như: SEOQuake, Mozbar, Alexa… Những công cụ này có bản miễn phí và trả phí. Với những người làm SEO cơ bản hoặc đã áp dụng đúng các bước bên trên thì sử dụng bản miễn phí cũng khá là tốt rồi. Việc cài đặt cũng đơn giản. Chỉ cần tải xuống và cài đặt trên trình duyệt là có thể sử dụng luôn.
7. SEOQuake
SEO quake là plugin SEO miễn phí được tích hợp trên các trình duyệt Google Chrome, Opera và Mozilla Firefox giúp quản lý, xem xét tình trạng SEO của trang web với nhiều chức năng như sau:
- Đánh giá tất cả các chỉ số chính một cách nhanh chóng
- So sánh domain và URL
- Số liệu xã hội
- Tìm kiếm keyword difficulty
- Phân tích external link và internal link
- Phân tích chi tiết backlink
Tuy nhiên, SEOquake có khuyết điểm là khá nặng và phức tạp, gây ảnh hưởng nhiều đến tốc độ load trang khi sử dụng.

8. Yoast SEO
Yoast SEO có lẽ là một trong những plugin SEO WordPress nổi tiếng nhất trên internet. Nó cung cấp cho người dùng một loạt các tính năng hữu ích để tối ưu hóa trang web của họ để có thứ hạng SEO cao hơn như:
- Tối ưu hóa từ khóa từ khóa và từ liên quan
- Tối ưu SEO OnPage trên từng trang con
- Tránh trùng nội dung bằng cách cấu hình URL chuẩn
- Kiểm tra thông tin của sitemap, file robots.txt, .htaccess, liên kết cố định
- Chia sẻ trên mạng xã hội như google, facebook…

Đây là một công cụ cài đặt miễn phí tuy nhiên nó khiến người dùng khó chịu vì có rất nhiều quảng cáo, quá nhiều cập nhật, ảnh hưởng đến tốc độ load trang.
9. Rank Math SEO
Đây là một plugin mạnh mẽ cho các trang WordPress với nhiều công cụ hỗ trợ SEO tốt gúp website của bạn mau lên top google hơn. Không chỉ vậy, bên trong Rank Math Seo Pro còn cung cấp cho người quản trị nhiều công cụ để kiểm tra thứ hạng của blog, số lượng từ khóa đang lọt top google… Nhược điểm của plugin này là cài đặt hơi khó và mất thời gian với những bạn không chuyên.
Một số so sánh giữa công cụ Rank Math SEO và Yoast SEO
Nguồn ảnh nguyenhongson.net
Công cụ này có cả bản miễn phí và trả phí. Mình đang dùng bản trả phí cho blog này. Đối với những bạn đăng ký dịch vụ setup blog từ A – Z của mình cũng sẽ được setup plugin này miễn phí.
Công cụ xây dựng nội dung
Nội dung có thể nói là phần quan trọng nhất của blog. Ngay cả những cây viết chuyên nghiệp họ cũng thường sử dụng các công cụ xây dựng blog về nội dung dưới đây.
10. Quora
Quora không chỉ là một trang web để tương tác và xây dựng cộng đồng trực tuyến – nó còn là một nơi tuyệt vời để tìm kiếm ý tưởng, nội dung cho blog của bạn.
Quora là một diễn đàn, nơi mà bạn có thể tìm thấy câu trả lời đầy đủ nhất cho các thắc mắc của mình và được xác thực bởi các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực đó. Chỉ cần dạo quanh trang web này bạn sẽ phát hiện ra những câu hỏi phổ biến đang được quan tâm kèm rất nhiều câu trả lời ở bên dưới. Đây có thể là một cách tuyệt vời để bổ sung kiến thức đồng thời nghiên cứu từ khóa hiệu quả cho bạn.
11. Portent’s Content Idea Generator
Portent’s Content Idea Generator là một công cụ xây dựng blog tuyệt vời khác có thể giúp bạn đưa ra nhiều ý tưởng và gợi các headline có nội dung thú vị trong vài giây.
Bạn chỉ cần thêm từ khóa và nhấn Enter. Tada! chưa đầy 3s sau, một loạt các ý tưởng đã sẵn sàng để bạn lựa chọn rồi đấy!
Công cụ này còn cung cấp cho bạn những ‘tips’ hay để có thể tạo ra những ý tưởng content độc đáo thu hút người khác.
Công cụ này còn cung cấp cho bạn những ‘tips’ hay để có thể tạo ra những ý tưởng content độc đáo thu hút người khác.
Việc của bạn đơn giản chỉ là điền chủ đề vào đó và nhận kết quả.
12. Google Docs
Đây chắc chắn là công cụ không thể thiếu với bất cứ cây viết/blogger nào. Google Docs sẽ giúp bạn lưu trữ bài viết, giúp bạn có thể truy cập từ mọi nơi. Vì Google Documents là một trình xử lý văn bản online, bạn có thể truy cập vào tài khoản của mình từ máy tính hay điện thoại.
Giao diện của nó rất đơn giản tích hợp đầy đủ các tính năng bạn cần từ một trình xử lý văn bản tương tự như bạn dùng Word trên máy tính đó ạ. Google Docs cũng cho phép bạn nhanh chóng chia sẻ tệp với người khác thông qua nút “Chia sẻ” ở góc trên bên phải màn hình. Giúp cho việc làm việc nhóm và chia sẻ nội dung hiệu quả.
13. Buzzsumo
Bó ý tưởng là một vấn đề rất hay xảy ra với các blogger hay ngay cả với những cây viết chuyên nghiệp. Khi mà không biết viết gì, không biết nên làm gì thì các bạn hãy đi “nghe ngóng” xem người ta đang viết gì, đang bàn tán gì. Và công cụ Buzzsumo sẽ giúp bạn điều đó.
Tại đây, bạn sẽ biết được bài đăng nào, nội dung nào đang hot. Đối với chủ đề bạn quan tâm, người đọc đang tìm kiếm nội dung gì và có thể lấy ngay ý tưởng đó để viết bài. Rất nhiều kết quả sẽ trả về cho bạn theo thống kê về thời gian, lượng tìm kiếm, xu hướng. Và biết đâu, nhờ tìm kiếm những thông tin này mà các ý tưởng sáng tạo đột phá sẽ được xuất hiện trong đầu bạn?
Buzzsumo có bản miễn phí giới hạn một số tính năng. Nếu cần dùng nhiều bạn nên đăng ký gói trả phí khoảng 79$/tháng.
14. CoSchedule’s
Tiêu đề là một trong những phần quan trọng nhất giúp bài đăng thu hút người dùng. Tuy nhiên, việc nghĩ ra một tiêu đề thu hút không phải là chuyện đơn giản. Nếu bạn không biết sử dụng tiêu đề nào hãy để CoSchedule đánh giá giúp bạn.
Trình phân tích dòng tiêu đề của CoSchedule giúp bạn kiểm tra chính tả, mức độ “dễ hiểu” cũng như cấu trúc tiêu đề vài “chấm điểm” tiêu đề của bạn theo thang điểm từ 0 đến 100. Không những vậy, bạn còn nhận được những gợi ý hữu ích để tối ưu tiêu đề của mình.
Tuy nhiên, hiện nay Coschedule không hỗ trợ tiếng Việt. Vậy nên, nếu bạn làm blog tiếng Việt thì Coschedule không phù hợp lắm.
15.750 Words
Đây là một trong những công cụ xây dựng nội dung được sử dụng nhiều nhất trong năm 2020 giúp bạn luyện viết thường xuyên, mỗi ngày 750 từ.
Bạn có thể thực hành kỹ năng viết thông qua bài tập “làm sạch não”. Tức là viết ra bất kỳ thứ gì đang có trong đầu. Bạn không cần phải lo lắng về những ý tưởng chưa hoàn chỉnh, những chuyện riêng tư… Chỉ cần viết – với bất cứ điều gì bạn muốn. Tại 750 Words bạn luôn được đảm bảo sự riêng tư trong các bài viết của mình.
750 Words sẽ theo dõi và đánh giá quá trình của bạn. Khi viết ra bất cứ điều gì, bạn được 1 điểm. Viết 750 từ trở lên, bạn được 2 điểm. Nếu bạn viết đều đặn, bạn sẽ được cộng nhiều điểm hơn. Mỗi lần viết, bạn còn nhận được thống kê chi tiết về lần viết trước đó của mình và cũng có thể thấy thành tích của những người khác. Điều này sẽ thúc đẩy bạn duy trì thành tích và biến viết lách thành thói quen mỗi ngày.
Mỗi ngày viết, bạn sẽ nhận được số liệu thống kê tuyệt đẹp phân tích cảm xúc, chủ đề và tư duy của từ ngữ của bạn.
Mình mới sử dụng công cụ này một thời gian và thấy nó cực kỳ hữu ích trong việc phát triển thói quen viết, tránh việc mất tập trung bởi những tác động bên ngoài.
16. The Most Dangerous Writing App
Đúng như tên gọi đây là một công cụ “cực kỳ nguy hiểm” nhưng cũng đầy thú vị. Tại sao lại nguy hiểm? Bởi vì nếu bạn ngừng gõ quá 5 giây, tất cả những nội dung bạn vừa tạo ra sẽ biến mất.
Chính vì sự “nguy hiểm” này mà công cụ The Most Dangerous Writing App rất thích hợp để bạn viết freewriting, tức là viết ra mọi thứ trong đầu. Không cần quan tâm ngữ pháp, chính tả hay câu cú. Chỉ cần viết ra mọi thứ đang tồn tại trong suy nghĩ của bạn. Nó sẽ khiến bạn tập trung vào những suy nghĩ bên trong để gõ ra bàn phím.
The Most Dangerous Writing App có hai chế độ là Generate a Promt (tạo gợi ý) và Start Writing w/o Promt (bắt đầu viết với gợi ý). Generate a Promt phù hợp với những bạn thích sáng tác thơ văn, tiểu thuyết vì app sẽ đưa ra một câu gợi ngữ cảnh và bạn chỉ việc viết tiếp câu chuyện đó. Còn Start Writing w/o Promt thì bạn có thể viết theo bất cứ thứ gì mình muốn.
Sau khi vật lộn với thời gian và tất cả những ý nghĩ, bạn sẽ thấy cảm hứng viết được quay trở lại. Bạn nên sử dụng công cụ này mỗi sáng để duy trì và phát triển thói quen viết lách của bản thân.
Công cụ xây dựng hình ảnh
Một blog đẹp với hình ảnh sắc nét sẽ tạo ấn tượng với người dùng. Do đó, đây là một công cụ xây dựng blog không thể thiếu dành cho blogger.
17. Canva
Canva có lẽ là công cụ tốt nhất trên nền tảng online để giúp bạn thiết kế hình ảnh và video cơ bản. Đây là công cụ cực kỳ hữu ích cho các blogger khi giúp bạn tự thiết kế hình ảnh một cách dễ dàng, nhanh chóng và ở bất cứ đâu (trên điện thoại hay máy tính) chỉ cần có internet.
Canva có riêng một kho hơn 60.000 mẫu miễn phí do các nhà thiết kế chuyên nghiệp tạo ra để bạn lựa chọn. Tất cả những gì bạn phải làm là chọn một mẫu phù hợp và kéo thả ảnh, khung hình có sẵn, thay chữ vào là xong. Do đó, việc thêm, xóa và chỉnh sửa các yếu tố trên canvas gần như không đòi hỏi bất kì kĩ năng phức tạp nào. Nếu bạn có chút kiến thức về thiết kế hay hiểu về bố cục, bạn hoàn toàn có thể chọn cách tự tạo ảnh thiết kế riêng dựa trên kho công cụ có sẵn của Canva để tạo nên thiết kế của riêng mình.
Nếu bạn muốn video của mình trở nên bắt mắt, thu hút hơn, thì bạn cũng có thể dùng Canva thêm video vào các mẫu thiết kế có sẵn. Vậy là rất đơn giản bạn có được video độc đáo rồi. Sau khi thiết kế hoàn tất, bạn có thể chia sẻ lên các mạng xã hội như Instagram, Facebook, Tweet,…
Mình đã sử dụng Canva trong suốt 5 năm qua và đến nay nó cũng vẫn là công cụ chính giúp mình tạo nên các bài viết thu hút hơn.
18. Venngage
Tương tự như Canva, Venngage cũng là công cụ thiết kế đồ họa miễn phí nhưng tập trung chủ yếu vào dạng hình infographics. Đây là dạng nội dung rất được yêu thích hiện nay, tuy nhiên việc thiết kế nó không phải dễ dàng.
Nhờ Venngage, bạn sẽ có được công cụ rất đơn giản và dễ sử dụng để biến nội dung của mình trở nên hấp dẫn hơn. Bạn có thể chọn các mẫu, chủ đề, hàng trăm biểu đồ và biểu tượng cũng như upload các hình ảnh của riêng mình để thiết kế trên 1 mẫu có sẵn. Hoặc tự tạo một infographics riêng với kho công cụ có sẵn của Venngage.
18. Unsplash
Bí quyết để có những hình thiết kế đẹp trước hết nằm ở nguồn hình đẹp và chất lượng. Vậy thì Unsplash chính là nơi lưu cung cấp cho bạn nguồn hình khổng lồ miễn phí kích thước lớn và tất nhiên chúng đều hấp dẫn và vô cùng cuốn hút.
Đây là một cộng đồng nhiếp ảnh mà mọi người chia sẻ miễn phí ảnh chụp chất lượng cao, bạn thoải mái tải về sử dụng mà không lo vấn đề bản quyền hay kiện tụng. Tuy nhiên, nên ghi nguồn khi sử dụng ảnh bạn nhé!

19. Pixabay
Là một cộng đồng sáng tạo sôi động, trang web này không chỉ cung cấp những bức ảnh miễn phí với chất lượng tuyệt vời mà còn rất dễ sử dụng. Với hơn 400,000 hình ảnh, vector và art illustrations sẵn có, Pixabay cho phép bạn tìm được nguồn hình vô cùng chất lượng với cả mục đích cá nhân và thương mại.

21. TinyPNG
Đừng bao giờ đăng một bức ảnh dung lượng 1M, 2M lên blog của bạn. Nó sẽ khiến blog của bạn trở nên “chậm chạp” nhanh chóng. Hãy giảm dung lượng của bức ảnh xuống để có thể cải thiện tốc độ load trang. Bạn có thể tải lên facebook để chế độ “Chỉ mình tôi” rồi tải lại nếu dung lượng ảnh quá lớn. Sau đó sử dụng TinyPNG để tiếp tục giảm dung lượng ảnh.

Đây là một công cụ tối ưu, nén ảnh PNG và JPEG cực thông minh bằng cách giảm thiểu số lượng màu sắc trong hình ảnh. Tỉ lệ nén thường đạt từ 70% trở lên mà vẫn đảm bảo chất lượng ảnh không khác quá nhiều so với ảnh gốc. Tất cả ảnh trước khi đăng lên blog này mình đều dùng TinyPNG để nén đấy các bạn ạ.
22. Print Screen (Phím PrtScr)
Đây là công cụ đơn giản nhất, nhanh nhất trên Windows giúp bạn chụp ảnh toàn nội dung của màn hình và lưu chúng lại. Hoặc bạn cũng có thể chọn “copy” và dán vào các phần mềm chat hoặc mở công cụ chỉnh sửa ảnh như Photoshop, Paint để chỉnh sửa. Mình rất thích sử dụng công cụ này. Và bạn thấy đấy, hầu hết ảnh ở bài viết này mình đều cùng nó.

Công cụ quảng bá Blog
Sau khi đã có một blog hoàn thiện với giao diện, hình ảnh và nội dung. Hãy quảng bá nó để thu hút người đọc. Bạn có thể áp dụng một số công cụ xây dựng blog để quảng bá dưới đây.
23. Hootsuite
Đây là công cụ quản lý đắc lực cho các blogger cũng như Marketer. Dù có rất nhiều nền tảng mới ra đời nhưng Hootsuite vẫn dẫn đầu về tính năng, mức độ tiện dụng và giá cả. Người dùng có thể quản lý cả tài khoản Facebook, Instagram, YouTube, LinkedIn, Pinterest. Công cụ này cũng tích hợp những phân tích trực quan, quy trình phê duyệt bài, quản lý nhóm, công cụ phân tích thời gian thực để giúp bạn đưa ra những chiến lược tiếp thị phù hợp.

24. Mạng xã hội phù hợp
Khi bạn đã viết bài xong và post lên blog rồi vậy thì làm sao để có thể lan tỏa nội dung ấy đến nhiều người, nhiều người hơn nữa? Cách đơn giản nhất và hoàn toàn miễn phí đó là chia sẻ bài viết lên mạng xã hội tới nhiều người nhất có thể.
Bạn có thể sử dụng Facebook, Instagram, Youtube, LinkedIn, Tiktok, Lotus… bất cứ mạng xã hội nào phù hợp và có đông đảo độc giả phù hợp đều được. Không nhất thiết là phải tham gia tất cả những mạng xã hội trên, bạn hãy chọn lấy từ 1 – 2 mạng xã hội chính và tập trung phát triển trên đó.
25. Mailchimp
Đây là một kênh quảng bá rất hiệu quả nếu bạn biết khai thác. Hãy xây dựng một danh sách email và thường xuyên gửi cho họ những thông tin về sản phẩm, kiến thức hữu ích để từ đó gia tăng cơ hội tiếp thị sản phẩm cho bạn. Trước đây, mình thường gửi thủ công bằng gmail do danh sách email chưa nhiều. Hiện tại thì mình duy trì gửi email đều đặn 1 lần/tuần qua công cụ này. Mỗi lần gửi email thì lượng truy cập blog cũng tăng lên đáng kể.

Xem thêm: Mình đã học được gì sau khi tham gia thử thách 21 days viết mỗi ngày?
26. Sniply
Công cụ này giúp bạn tạo nên nút CTA (call-to-action) hay còn gọi là kêu gọi hành động cho mỗi bài viết hoặc bài chia sẻ trên social media. Nó giúp bạn gắn một nút quay CTA vào một hộp thoại bên góc trái màn hình để người đọc có thể quay trở lại website của bạn. Bạn cũng sẽ theo dõi được xem có bao nhiêu lượt click vào liên kết. Nó có cả bản miễn phí và tính phí. Mình chưa sử dụng công cụ này (do chồng chưa cài cho) nhưng ở gói VIP của dịch vụ setup blog từ A – Z thì một số khách hàng của mình sẽ được cài công cụ này.

Công cụ phân tích dữ liệu
Các công cụ dưới đây sẽ giúp bạn nắm được những thông tin về người dùng của blog để từ đó tối ưu nội dung, hình ảnh và lên kế hoạch phát triển phù hợp.
27. Google Analytics
Đây là công cụ phân tích website được cung cấp miễn phí bởi Google giúp bạn đánh giá chi tiết về hiệu suất blog của mình qua các chức năng thông kê mà nó cung cấp. Có thể nói Google Analytics là công cụ không thể thiếu của các blogger. Bởi nó không chỉ thống kê số lượt truy cập, số người truy cập, họ đến từ đâu, truy cập từ thiết bị gì mà còn giúp bạn phân tích các chỉ số như: lượt xem trang, thời lượng phiên trung bình, hay tỷ lệ thoát… giúp các blogger tối ưu nội dung và hình thức của blog.

Các bạn đăng ký Dịch vụ setup blog từ A – Z của mình cũng được hỗ trợ cài đặt công cụ này luôn vào blog. Thời gian tới mình sẽ chia sẻ một bài chi tiết về cách đọc chỉ số Google Analytics các bạn nhớ theo dõi nhé.
Xem thêm: Mình đã kiếm tiền từ Affiliate Marketing như thế nào? Hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu
28. Alexa
Mặc dù là một công cụ tìm kiếm nhưng nó lại nổi tiếng với dịch vụ xếp hạng các website trên thế giới. Khi bạn gõ địa chỉ website vào ô tìm kiếm của website này, kết quả tìm kiếm sẽ trả về những thông tin như: thứ hạng của website, hình ảnh, những trang có liên kết đến website. Ngược lại, khi bạn gõ một từ khóa thì kết quả trả lại khá giống các công cụ tìm kiếm khác.
Ngoài việc đánh giá trang web của mình để cải thiện nội dung, SEO tốt hơn, Alexa còn cho phép bạn đánh giá trang web của đối thủ.

29. Semrush
Đây là công cụ khá nổi tiếng trong lĩnh vực marketing online, tập trung chủ yếu vào phân tích đối thủ cạnh tranh. Với việc có hơn 100 triệu keyword trong cơ sở dữ liệu, Semrush sẽ giúp bạn có được lượng thông tin khổng lồ về website của các đối thủ và xu hướng tìm kiếm của người dùng. Từ đó đưa ra các nội dung tiếp cận với khách hàng tốt hơn.

Khóa học trực tuyến
Cách nhanh nhất để có thể thông thạo kỹ năng và phát triển tốt ở một lĩnh vực là học từ những người đi trước. Dưới đây là một số khóa học hữu ích cho bạn!
30. Xây dựng sự nghiệp từ viết lách – Thủy Trà
Không chỉ giúp bạn nắm được những kỹ năng viết nền tảng, khóa học này còn giúp bạn chuẩn bị đủ kỹ năng cần thiết để trở thành cây viết chuyên nghiệp và tự vận hành sự nghiệp viết lách của riêng mình để tạo ra thu nhập đáng mơ ước.
Điều quan trọng nhất mà bạn nhận được ở khóa học này đó là: biết mình là ai, mình đang ở đâu và xây dựng một lộ trình phát triển chi tiết cho bản thân. Bởi vì nội dung trong khóa học này sẽ được thiết kế dành riêng cho bạn. Đúng vậy, không chung chung, không tóm gọn mà sẽ được phát triển dựa trên chính nhu cầu và khả năng của bạn.
Với hơn 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông tiếp thị. Đồng thời làm ghostwriter về phát triển bản thân và blogger tại Chuyện của Trà, mình sẽ giúp bạn không những cải thiện kỹ năng và tư duy viết, kỹ năng lên kế hoạch, kỹ năng thiết kế và lan tỏa nội dung; mà còn giúp bạn có thể kiếm tiền online, gia tăng thu nhập từ viết lách và vận hành sự nghiệp viết lách chuyên nghiệp.
31. Trở thành cây viết về “Phát triển bản thân” – Linh Phan
“Giữa tất cả các ngách nội dung, đây là ngách lớn nhất với hàng trăm triệu người đọc, hàng tỉ đô doanh thu, và không giới hạn những cơ hội. Bởi xét cho cùng, bạn luôn có thể giúp mọi người cải thiện cuộc sống. Làm cách nào bạn khiến trang blog của mình thành công khi có quá nhiều đối thủ thế này? Quan trọng hơn, làm sao bạn sản xuất nội dung giúp đỡ mọi người như cái tên “phát triển bản thân” thể hiện mà vẫn đảm bảo có được nguồn thu bị động hàng tháng?” Khóa học này sẽ giúp bạn hiểu lộ trình cần thiết để trở thành 1 cây viết chuyên nghiệp và cách khởi tạo cũng như kiếm tiền từ blog về chủ đề Phát triển bản thân.\

32. Marketing Foundation – Hoàng Hạnh
Khóa học này sẽ giúp bạn bước nhanh hơn trên lộ trình nghề nghiệp hoặc mang lại hiệu quả ngay lập tức cho các hoạt động liên quan tới thúc đẩy bán hàng!
Bạn không chỉ được cung cấp kiến thức nền tảng về marketing mà còn:
- Có thể đưa ra quyết định có nên dấn thân vào lĩnh vực thử thách nhưng thú vị này hay không
- Thêm tự tin để ứng tuyển vào các dự án lớn của công ty
- Có khả năng tự điều chỉnh các hoạt động kinh doanh để tạo ra lợi nhuận tốt hơn
- Có căn cứ để lựa chọn và hợp tác với những marketing agency phù hợp
33. Dịch vụ set up blog từ A – Z
Với người không rành về công nghệ, việc thiết lập một BLOG CHUYÊN NGHIỆP quả thực là điều KHÔNG DỄ DÀNG. Cài đặt ở đâu? Chọn plugin như thế nào? Cài đặt công cụ, chỉnh code ra sao?… Những việc ấy tốn rất nhiều thời gian và công sức. Mà kết quả cuối cùng lại là… trang blog trông thật tệ hại.

Vậy tại sao không tập trung vào những gì bạn làm tốt nhất và dành lại việc thiết lập blog cho người có chuyên môn với Dịch vụ setup blog từ A – Z. Chúng mình sẽ giúp bạn tạo nên trang blog chuyên nghiệp, hiệu quả với mức giá cực kỳ tiết kiệm. Không chỉ giúp bạn thiết lập blog chuyên nghiệp, thu hút người dùng. Dịch vụ này sẽ giúp bạn khởi đầu một sự nghiệp mới – kiếm tiền từ blog!
34. Tiếp cận & bắt đầu tạo thu nhập tại nhà với Affiliate Marketing – Cris
Kiếm tiền với hình thức Affiliate marketing đã trở nên rất phổ biến trong thời gian 3 năm trở lại tại Việt Nam. Tuy nhiên, những người mới bắt đầu sẽ không dễ dàng tìm thấy những hướng dẫn chi tiết, bài bản, và thực tế nhất về cách kiếm tiền với mô hình này. Khoá học sẽ xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc để bạn có thể bắt đầu và có những thành quả đầu tiên với affiliate marketing.
35. Khoá Học Trở Thành Youtuber Dành Cho Người Mới
Youtube vẫn luôn là nền tảng giúp nhiều cá nhân tạo được dòng thu nhập ổn định. Tuy nhiên, nhiều bạn không biết phải bắt đầu như thế nào, cũng như làm sao chỉ với chiếc điện thoại mà có thể tạo được video chất lượng? Trong khoá học này, đội ngũ nhà sáng lập của kênh Youtube KTcity, bao gồm: Cris, Maya, và Jun Võ sẽ hướng dẫn bạn từ những bước cơ bản nhất như chọn ngách, cho đến cách làm ra một video có nhiều lượt xem. Quan trọng, bạn sẽ nắm bắt được cách kiếm tiền bền vững trên Youtube.
36. (Miễn phí) Social Media Marketing 101 – Maya
Social Media Marketing là một lĩnh vực rất trending trong thời điểm hiện tại, và người dùng ngày nay đang có xu hướng mua hàng rất nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, kiến thức về hình thức tiếp thị này vẫn chưa được phổ cập rộng rãi, vậy nên trong khoá miễn phí này, Maya sẽ hướng dẫn cho bạn từng bước để bắt đầu với Social Media Marketing một cách hiệu quả.
Công cụ quản lý công việc
Ngay cả khi là một người làm việc tự do, bạn cũng cần lên kế hoạch và bám sát mục tiêu hàng ngày. Những công cụ xây dựng blog dưới đây sẽ giúp bạn quản lý công việc hiệu quả.
37. Asana
Đây là công cụ cực kỳ hữu ích trong việc tổ chức và sắp xếp công việc theo trình tự. Asana sẽ giúp bạn sắp xếp các nhiệm vụ một cách có hệ thống; cho phép bạn theo dõi các dự án và nhiệm vụ qua mọi giai đoạn. Cho bạn biết nhiệm vụ nào được giao; khi nào bạn cần gửi chúng và cập nhật tiến độ công việc để quản lý tốt hơn. Đặc biệt là nó còn cho bạn gắn email, tệp, và nhiều thứ khác với hơn 100 tích hợp để lựa chọn.

Xem thêm: 5 bước lập kế hoạch cho năm mới dành cho freelance writer
38. Slack
Các freelancer có lẽ sẽ không quá xa lạ với ứng dụng này. Slack cho phép bạn giao tiếp cá nhân hoặc theo nhóm với đồng nghiệp của mình để thay thế phương thức giao tiếp email truyền thống. Không chỉ giúp tách biệt không gian làm việc và đời sống cá nhân, công cụ này còn hỗ trợ việc quản lý trong công ty với tính năng theo dõi thời gian nhân viên đăng nhập và đăng xuất. Bạn cũng có thể chia sẻ tệp, hình ảnh, âm thanh và video, v.v. thông qua Slack.

39. Dropbox Paper
Là một ứng dụng lưu trữ trên đám mây tối giản, Dropbox Paper cực kỳ hữu ích với những bạn thường xuyên phải chia sẻ tệp. Bạn cũng có thể sử dụng các tính năng như viết, thêm tệp, hình ảnh, danh sách việc cần làm và nhiều thứ khác. Nó tương tự như Google Docs nhưng gọn gàng và đơn giản hơn. Đồng thời mời những người dùng khác chỉnh sửa, nhận xét và chia sẻ tài liệu của bạn.
40. Trello
Đây là công cụ quản lý công việc trực quan theo phương pháp Kanban đang được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Công cụ này sẽ chia công việc của bạn ra các trạng thái: Phải làm, Đang làm, Hoàn thành giúp bạn dễ dàng kiểm tra các hạng mục công việc của mình. Giao diện của nó khá đơn giản, cấu trúc linh hoạt, dễ dùng cho cả cá nhân và nhóm.

Công cụ nâng cao hiệu suất công việc
41. Google Calendar
Là một trong những ứng dụng lịch được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, Google Calendar cho phép bạn tạo, chỉnh sửa các sự kiện và có thể share lịch cho người khác để biết lịch của nhau. Với hệ sinh thái của Google từ Gmail, Google Search, Google Calendar, Android lên đến iOS, công cụ này sẽ giúp bạn quản lý công việc và tăng hiệu suất làm việc hiệu quả.

42. Wunderlist
Nếu bạn đang tìm kiếm một phần mềm ghi chú công việc thì công cụ này là một sự lựa chọn tuyệt vời. Wunderlist sẽ giúp bạn tạo ra To Do List và chia sẻ với người khác. Một số tính năng nổi bật của Wunderlist là: thiết lập công việc, đánh dấu khi đã hoàn tất, xóa công việc không cần nữa, hẹn giờ nhắc nhở thực hiện công việc, phân loại việc cần làm (việc nhà, cơ quan, đi chơi,…). Công cụ này tích hợp ở cả iOS lẫn Andriod giúp bạn thuận tiện sử dụng.

43. Tomato Timer
Làm sao để tập trung vào công việc và hoàn thành đúng hạn khi deadline đang tới gần? Hãy sử dụng ứng dụng Tomato Timer. Với mô hình cà chua hẹn giờ, mỗi quả cà chua sẽ tương ứng với 25 phút tập trung làm việc, sau đó là 5 phút nghỉ. Sau 4 chu kỳ bạn sẽ được nghỉ dài hơn trong 10 phút. Hoặc bạn cũng có thể cài đặt thời gian tùy theo nhu cầu của bản thân. Tomato Timer có thể cài trên điện thoại hoặc trong phần tiện ích của trình duyệt web rất đơn giản.

Mình sử dụng ứng dụng này mỗi ngày để tập trung làm việc. Việc tích hợp sẵn trên trình duyệt web giúp mình không bị xao nhãng bởi các trang web khác. Bởi khi sử dụng nó sẽ chặn các link mạng xã hội và có chuông cảnh báo khi bạn đi sang các website khác.
44. Focus@Will
Đây là ứng dụng vô cùng đặc biệt sử dụng âm nhạc đặc trưng để thúc đẩy năng suất làm việc của bạn. Focus@Will sẽ vừa mở nhạc vừa đếm ngược 60 phút. Khi hết nhạc, thì cũng tới lúc bạn nghỉ ngơi. Có nhiều thể loại nhạc dành riêng cho các đối tượng như: nhân viên văn phòng, người sáng tạo, sinh viên hoặc người theo trường phái suy nghĩ logic…
Focus@Will có cả bản miễn phí và trả phí. Ở bản tính phí, bạn có thể chọn nhạc đa dạng và cài đặt các mốc thời gian đếm ngược khác nhau.
Công cụ tăng khả năng sáng tạo
Không phải lúc nào chúng ta cũng có sẵn các ý tưởng. Nhiều khi bạn sẽ cảm thấy trống rỗng và không biết bắt đầu từ đâu. Vậy thì những công cụ xây dựng blog giúp tăng khả năng sáng tạo dưới đây sẽ giúp bạn.
45. Pinterest
Là một website/mạng xã hội chia sẻ hình ảnh, Pinterest không chỉ lưu trữ hình ảnh, mà còn hoạt động như một mạng xã hội qua các chức năng follow, comment, save in boards hay private message. Nhiều người sử dụng công cụ này để tiếp thị sản phẩm, kinh doanh online hay tải hình ảnh.

Còn mình thường sử dụng nó để tăng thêm cảm hứng sáng tạo. Phải nói rằng ảnh ở “Pin” rất đẹp. Nhiều ý tưởng thiết kế, hình ảnh, bài viết của mình xuất phát từ đó. Vậy nên nếu quá bí ý tưởng bạn có thể lướt “Pin” xem.
Xem thêm: Bí quyết gia tăng cảm hứng sáng tạo khi viết, chia sẻ của HLV yoga trị liệu
46. TED Talks
TED (viết tắt của Technology, Entertainment, Design) là kênh hội thảo toàn cầu với slogan “Ý tưởng đáng để lan truyền”. Tại TED bạn sẽ được nghe những bài chia sẻ của các chuyên gia hàng đầu thế giới, giúp khơi nguồn ý tưởng và kích thích sự làm mới sáng tạo trong bạn.
47. Brainsparker
Một chút cảm hứng ngẫu nhiên có thể châm ngòi cho ý tưởng sáng tạo của bạn VÀ Brainsparker sẽ giúp bạn điều ấy. Đây một ứng dụng miễn phí cũng cung cấp hoạt động để kích thích sự sáng tạo của bạn. Nó có đến 200 thẻ cho bạn viết các từ và cụm từ vào để thử kích hoạt bộ não của mình. Sau đó, bạn chỉ cần lắc và Brainsparker sẽ giúp bạn tạo ra một thẻ mới từ những thẻ đó. Và biết đâu bạn sẽ có một ý tưởng hay ho thì sao?

Công cụ thư giãn hiệu quả
Và chắc chắn rồi, sau những giờ phút làm việc mệt mỏi bạn sẽ cần thư giãn để cải bỏ căng thẳng và lấy lại năng lượng. Hãy thử ngay những ứng dụng dưới đây nhé!
48. Calm
“Khi căng thẳng hãy tìm về với thiên nhiên”. Với những hình ảnh đẹp, âm thanh du dương, Calm sẽ giúp bạn nhanh chóng thoát khỏi tình trạng căng thẳng, stress để đưa bản thân về gần với thiên nhiên. Việc bạn cần làm đơn giản là đeo tai nghe lên và thư giãn.

Bằng cách sử dụng những âm thanh như tiếng mưa rơi, tiếng thác nước, tiếng sóng vỗ… Calm sẽ giúp bạn thư giãn và tái tạo năng lượng sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Xem thêm:Làm vườn giúp giải tỏa căng thẳng và sống hạnh phúc hơn
49. Headspace
Là một ứng dụng sức khỏe, Headspace mang đến những bài học thiền định, giúp bạn giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Các kỹ thuật trong ứng dụng đều đã được tuyển chọn và kiểm chứng, giúp não bộ khỏe mạnh hơn, tâm trí hạnh phúc hơn. Bạn có thể bắt đầu với chương trình Take 10 hoàn toàn miễn phí. Headspace sẽ dạy cho bạn những điều cơ bản về thiền chỉ trong 10 phút mỗi ngày.

50. Endel: Focus, Sleep, Relax
Đây là một ứng dụng âm thanh thông minh giúp bạn có thể tùy chỉnh cho phù hợp với bản thân. Endel: Focus, Sleep, Relax sẽ lấy dữ liệu về môi trường xung quanh và cơ thể bạn để tạo ra âm thanh phù hợp với những gì bạn cần.
Chẳng hạn, bạn có thể cho phép ứng dụng dùng dữ liệu về sức khỏe để điều chỉnh nhịp âm thanh cho khớp với nhịp tim khi nghỉ ngơi. Hoặc điều chỉnh âm thanh theo tình hình thời tiết, thời điểm trong năm và lượng ánh sáng hàng ngày ở nơi bạn sống. Wao, thật tuyệt đúng không nào?

Trên đây là 50 công cụ xây dựng blog giúp blogger bắt đầu từ con số 0 để nhanh chóng cải thiện hiệu suất và chất lượng. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình xây dựng sự nghiệp từ blog. Hãy chia sẻ thêm những ứng dụng hiệu quả khác mà bạn đã sử dụng ở dưới đây để cùng trao đổi, học hỏi nhau nhé!
Nếu bạn muốn có một người chỉ đường, định hướng và theo sát bản thân mỗi ngày có thể tham khảo khóa học “Xây dựng sự nghiệp từ viết lách” của mình. Hoặc tham gia group Xây dựng sự nghiệp từ viết lách để cùng rèn luyện thói quen viết đồng thời cải thiện kỹ năng nhờ sự đóng góp của những cây viết khác.
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của Trà. Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.