Neil Gaiman, nhà văn nổi tiếng thế giới, được mệnh danh là “ngôi sao nhạc rock của thế giới văn học”. Trong suốt quá trình sáng tác của mình, ông đã sở hữu được số lượng tác phẩm và giải thưởng đồ sộ như: Huy chương Newbery (2009), Huy chương Carnegie về Văn học (2010), giải thưởng Hugo, Nebula…
Ông là một nhà văn có thể viết đa dạng thể loại từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện tranh, tiểu thuyết thần thoại, kịch bản truyền hình. Và ở thể loại nào ông cũng tạo nên dấu ấn riêng. Có thể kể tới một số tác phẩm nổi tiếng của ông như bộ truyện tranh The Sandman, tiểu thuyết Stardust, Coraline, American Gods, The Graveyard Book.
Trong bài phỏng vấn năm 2010, Neil Gaiman đã chia sẻ lại 6 quy tắc giúp mình viết tốt hơn, cũng như tạo ra những tác phẩm chất lượng. Nào cùng xem những quy tắc ấy là gì nhé!
6 quy tắc để viết tốt hơn từ Neil Gaiman
Hãy lấy giấy, bút ra và ghi lại những quy tắc này để bắt đầu áp dụng cho việc viết của mình nhé!
1. You have to write
Quy tắc số một để trở thành một nhà văn là VIẾT. Viết ngay cả khi bạn cảm thấy mình chưa sẵn sàng. Đừng chỉ nghĩ mãi về việc viết hoặc dự định viết của mình, hãy cầm một cây bút hoặc ngồi trước màn hình máy tính và bắt đầu viết ra những dòng đầu tiên, dòng thứ hai và nhiều dòng sau nữa. Hãy biến nó thành một thói quen và dần dần bạn sẽ biết cách viết nên những tác phẩm của riêng mình.
Nếu bạn cần thêm chỉ dẫn để bắt đầu, hãy xem video dưới đây nhé!
2. You have to finish what you write
Sau khi bắt tay vào viết, hãy hoàn thành bài viết của bạn. Đừng cố gắng viết một cách hoàn hảo hay chờ đợi việc sửa chữa bài viết trở nên tốt hơn. Bởi vì cứ chờ đợi, bạn sẽ không thể hoàn thành bài viết đầu tiên và như vậy sẽ không bao giờ tạo ra những tác phẩm của riêng mình.
Hãy nhớ, hoàn thành hơn hoàn hảo. Bắt đầu với sự hoàn thành sẽ giúp bạn bước đi, còn bắt đầu với sự hoàn hảo sẽ giữ chân bạn ở lại.
3. Put it aside
Nguyên văn: “Put it aside. Read it pretending you’ve never read it before. Show it to friends whose opinion you respect and who like the kind of thing that this is.”
Nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng cực kỳ quan trọng, Sau khi viết xong, đừng vội xuất bản bài viết. Hãy để chúng sang một bên và sửa lại ở thời gian sau. Chẳng hạn, sau khi viết 1 giờ, 3 giờ và 1 ngày. Đối với những tác phẩm tiểu thuyết, truyện ngắn, các bạn nên đọc và sửa lại nó sau 2 tuần. Hãy đọc như chưa bao giờ bạn đọc nó trước đây, để bạn biết được mình sẽ cần phải sửa gì, ở đâu, đoạn nào, nội dung nào chưa hợp lý để từ đó chỉnh sửa bài viết được tốt hơn.
4. Send it out
Hãy gửi bài viết, bản thảo của bạn đi đến những tờ báo, những nhà xuất bản. Biết đâu nó được nhận và bạn có thể tạo ra thành quả ngay từ những bài viết, bản thảo đầu tiên thì sao?
Còn nếu không có kết quả, không sao hết, hãy cứ tiếp tục viết và chia sẻ. Như mình đã chia sẻ trong bài: Làm sao để bắt đầu viết? Hướng dẫn 5 bước đơn giản mà ai cũng có thể làm được
‘Với những người mới bắt đầu tập viết, việc xuất bản bài viết có thể đáng sợ, nhưng mình mong bạn có thể vượt qua được cảm giác sợ hãi này. Bởi bạn đã hoàn thành công việc khó khăn nhất là viết, bây giờ là lúc để cho độc giả thưởng thức nó.”
“Ngày mai có thể là ngày tận thế nhưng hôm nay là một ngày đẹp trời để viết và trong một ngày như thế thì không có vấn đề gì nghiêm trọng xảy ra cả”
5. When it comes back, send it out again
Khi bị từ chối, đừng vội nản lòng mà hãy tiếp tục gửi bài viết. Bạn biết không, ngay cả những nhà văn chuyên nghiệp họ cũng đã bị từ chối rất nhiều lần. Nhưng họ vẫn tiếp tục viết và gửi đi để hiện thực hóa giấc mơ của mình.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng thế giới với cuốn tiểu thuyết Harry Potter, nhà văn J.K Rowling trải qua vô số thất bại, khó khăn, bế tắc đến mức trầm cảm và muốn tự tử. Ngay cả bản thảo Harry Potter lừng danh này cũng bị 12 nhà xuất bản từ chối trước khi nhận được sự đồng ý của nhà xuất bản thứ 13.
Đạt được thành công trong sự nghiệp viết lách chắc chắn không phải là con đường dẽ dàng. Vậy nên, hãy chấp nhận khó khăn và thất bại mà bạn sẽ gặp phải như một điều hiển nhiên, để tiếp tục nỗ lực, kiên trì đi trên con đường này.

6. Start the next thing
Hãy bắt đầu tác phẩm tiếp theo. Sau khi hoàn thành bản thảo đầu tiên, hãy bắt đầu viết bản thảo thứ hai. Việc này sẽ giúp bạn duy trì cảm hứng, thói quen viết cũng như gia tăng khả năng sáng tạo, cơ hội phát triển sự nghiệp viết lách. Làm sao bạn có thể chắc chắn bản thảo thứ nhất sẽ được nhận? Đừng ngồi chờ đợi may mắn, hãy tiếp tục viết bản thảo số 2 và gửi cho các nhà xuất bản. Biết đâu, “tổ nghề” phù hộ và bạn sẽ có nhà xuất bản đặt tới 5 tác phẩm thì sao?
Chốt lại sau 6 quy tắc viết lách của Neil Gaiman, chúng ta có thể rút ra điều gì? Đó là hãy viết, xuất bản và tiếp tục viết, biến việc viết trở thành một phần cuộc sống của bạn. Chắc chắn bạn sẽ có được những tác phẩm của riêng mình. Nào hãy cùng bắt đầu nhé!
Bài viết thuộc danh sách bài đăng tham gia thử thách 90 ngày viết lách. Khi mình tiếp tục xuất bản các bài viết trên blog hàng ngày, mình sẽ cập nhật danh sách này cho đến khi nó có thêm 89 bài viết khác. Theo bạn liệu mình có thể viết 90 bài blog liên tục trong 90 ngày không? Cùng theo dõi tại đây nhé!
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của Trà. Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.