Ai có dịp lên vùng Tây Bắc, Đông Bắc mùa đông, nếu không được thưởng thức dù chỉ một lần món canh đắng – món ăn độc đáo của đồng bào vùng cao nơi đây thì quả là thiếu sót lớn.

Vị canh đắng của núi rừng Tây Bắc

Nhắc đến Tây Bắc, Đông Bắc hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến những ngọn núi trùng điệp mù sương, những cánh rừng bạt ngàn cây cối, không chỉ là “ngôi nhà” của biết bao dân tộc mà nó còn mang đến vô vàn các món ăn ngon như món canh đắng này chẳng hạn.

Vào mùa đông, khi những cơn gió lạnh rít qua khiến người bạn muốn run lên thì chỉ cần cầm trên tay bát canh đắng nóng hổi, bạn sẽ thấy như xua đi được phần nào cơn gió lạnh ngoài hiên. Để rồi chỉ cần thử miếng đầu tiên, vị đắng nhanh chóng xâm chiếm cả khoang miệng, đắng đến co đầu lưỡi. Thế mà chỉ vài miếng sau vị đắng dần nhường chỗ cho vị ngọt thơm, bùi bùi, ngậy ngậy kèm chút vị chát của núi rừng.

Chính vì vị đắng của nó mà nhiều người lần đầu thử rất sợ nhưng chỉ cần ăn được vài miếng thôi vị ngọt bùi của món ăn lại khiến nhiều người mê.

 Canh đắng đặc sản Tây Bắc - mới ăn thì chê mà ăn xong ai cũng mê, bạn đã thử chưa?
Nồi canh đắng đặc trưng của người dân Tây Bắc

Món canh đắng ở đây có chủ yếu được nấu bằng cây lá đắng cùng một số rau có vị đắng như lá, hoa đu đủ đực, lá cây móc, quả cà đắng… Những cây này ở vùng núi khá sẵn, chỉ cần chạy ra vườn nhà hay sườn đồi là có thể hái được. 

Cây lá đắng hay còn gọi cây mật gấu, mã hổ, hoàn liên ô rô, lá lằng có tên khoa học là Vernonia Amygdalina. Đây vốn là loại cây rừng, thường mọc ở khe núi, ven rừng. Lá của cây này bóng, mép có hình lưỡi cưa, xanh xẫm, nhỏ bằng ba đầu ngón tay, ăn có vị đăng đắng, chan chát và ngọt hậu (nên mới có tên lá đắng là vậy), nó không chỉ là nguyên liệu của món ăn ngon mà còn được coi là thảo dược có công dụng chữa bệnh tuyệt vời như: giảm sốt, giải độc nhẹ, điều trị sốt rét, hạ huyết áp…

Canh đắng đặc sản Tây Bắc
Cây lá đắng trong tự nhiên

Cách chế biến đơn giản

Để chế biến món ăn này, bên cạnh các loại lá có vị đắng là: lá đắng, lá, hoa đu đủ đực, lá cây móc thì để tạo nên hương vị đặc biệt phải kể đến các nguyên liệu là phổi lợn, tiết lợn và vài hạt dổi nướng thơm. 

Canh đắng đặc sản Tây Bắc 1
Hạt dổi – nguyên liệu đặc trưng của núi rừng Tây Bắc

Những nguyên liệu trên giúp cho món ăn có hương vị hoàn toàn khác biệt với món canh lá đắng xứ Thanh. Cùng là 1 loại lá đắng nhưng người Thanh Hóa lại nấu cùng thịt lợn, lòng lợn hoặc thịt gà băm nhỏ thêm mẻ, mắm tôm, sả, tiêu.

Cách chế biến thì rất đơn giản. Phổi lợn sẽ được băm nhỏ, tiết lợn một phần đánh đông, một phần thái miếng. Các loại lá thì thái nhỏ. Sau đó cho hành khô, tỏi phi thơm cho phổi và tiết đã đánh nhỏ vào xào săn rồi cho nước vào đun sôi. Nước sôi người ta sẽ cho các loại rau lá vào cùng phần tiết thái miếng, nêm chút muối, hạt tiêu cho vừa miệng là xong.

Canh đắng phải ăn khi còn nóng. Nhìn bát canh đắng đen đen bốc khói nghi ngút nhiều người có thể hơn e ngại nhưng được sự động viên của các anh trai bản: ăn đi, ngon lắm, hẳn khó có thể chối từ. Cảm giác khi thử ngụm canh đầu tiên chỉ biết nói là nó đắng, đắng ngắt đến tê người. Nhưng chỉ cần thêm vài miếng nữa dần dần sẽ thấy nơi đầu lưỡi xuất hiện một vị ngòn ngọt, dễ chịu.

Bên cạnh vị đắng ngọt hậu đặc biệt của rau đắng thì miếng phổi giòn giòn, dai dai, miếng tiết sần sật, chan chát, hương thơm đặc biệt của hạt dổi càng khiến ta phấn khích hơn nữa.

Lúc ấy, mà đưa thêm một chén rượu ngô, chấm thêm miếng thịt trâu gác bếp thì chắc các bạn sẽ mê luôn.

Không chỉ là món khai vị kích thích vị giác trong bữa ăn, món canh đắng của đồng bào vùng cao này còn có tác dụng rất tốt cho đường ruột và hệ tiêu hoá, giúp chữa tiêu chảy, giải rượu, giải cảm, rất tốt cho sức khoẻ. Đồng bào thường nấu canh lá đắng nhiều vào mùa đông, tiết trời se lạnh cũng là vì vậy.

 Canh đắng đặc sản Tây Bắc 2
Món canh đắng còn có tác dụng rất tốt cho đường ruột và hệ tiêu hoá

Bát canh đắng ở miền núi không chỉ là món ăn đặc trưng giúp xua tan cái lạnh đến tê tái mà còn là món ăn lá thể hiện sự thân tình, mến khách của chủ nhà. Vậy nên, nếu bạn đến thăm nhà nào đó mà được đãi món này hẳn là khách quý lắm.

Bên những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn, bên những sườn núi trập trùng, quây quần bên bếp lửa bập bùng cùng những cô, bác dân tộc, nghe câu chuyện thường ngày, thưởng thức bát canh đắng ấm lòng quả thực là một kỷ niệm khó quên.

——————–

Bạn quan tâm đến ẩm thực và muốn phát triển kỹ thuật viết lách trong lĩnh vực này? 

Tham gia cộng đồng những cây viết về ẩm thực. Nơi cùng nhau học tập, chia sẻ, thảo luận, tìm kiếm các cơ hội liên quan tới viết lách, viết về ẩm thực tại: Yêu viết lách, mê ẩm thực.

Hãy đăng ký MIỄN PHÍ ngay ebook: “Hướng dẫn chi tiết cách viết nội dung ẩm thực” – tài liệu “cầm tay chỉ việc” để có thể trở thành cây viết ẩm thực và tự sáng tạo nội dung cho thương hiệu của mình TẠI ĐÂY.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.