Sau khi chia sẻ nhiều hơn về hành trình trở thành blogger, mình nhận được rất nhiều câu hỏi liên quan đến việc xây dựng blog cho người mới bắt đầu. Vậy nên, bài viết này, mình sẽ giải đáp các câu hỏi phổ biến nhất mình nhận được cũng như đưa ra một số chỉ dẫn nho nhỏ để giúp các bạn giải quyết tốt hơn. Cùng tìm hiểu nhé!
Câu hỏi về tâm thế khi viết blog
#1. Kiểu người hướng nội như em có nên viết blog không?
Dù không phải là một người hướng nội điển hình nhưng 3 năm trước đây mình cũng từng sống như một người hướng nội. Mình rất hạn chế tham gia, trò chuyện với các hoạt động giao tiếp xã hội. Mình thích ở một mình, thích tận hưởng cảm giác an toàn và thoải mái khi chỉ có một mình.
Do đó, mình cũng hiểu được phần nào những cuộc đấu tranh tâm lý khi bạn là một người hướng nội và muốn viết blog. Nhưng tin mình đi chỉ cần vượt qua được cảm giác e ngại đầu tiên, bạn sẽ thấy đây là một công việc hoàn hảo cho người hướng nội vì:
- Có thể thoải mái tập trung làm việc một mình.
- Không phải giao tiếp, tương tác quá nhiều.
- Hoàn hoàn có thể ngồi tại nhà và kiếm tiền.
- Giúp mọi người cảm thấy an toàn, tự tin hơn trong việc “bước ra khỏi cánh cửa phòng”.
Rất nhiều blogger là người hướng nội đã có thành công vang dội như: Jennifer Kahnweiler, chủ nhân của Blog jenniferkahnweiler.com. Bà là một tác giả sách, blogger hướng nội nổi tiếng thế giới.
Bạn không cần phải là trung tâm của một bữa tiệc mới có thể thành công. Có hàng tá blogger nổi tiếng là những người hướng nội khó tính. Để phát triển sự nghiệp viết blog như một người hướng nội, tất cả những gì bạn cần là kỹ năng viết và xây dựng được một chiến lược bài bản cho bản thân.
#2. Làm cách nào để vượt qua cảm giác ngại ngùng khi đăng bài blog?
Ở bài viết Làm sao để bắt đầu viết? Hướng dẫn 5 bước đơn giản mà ai cũng có thể làm được, mình đã chia sẻ rằng:
“Với những người mới bắt đầu tập viết, việc xuất bản bài viết có thể đáng sợ, nhưng mình mong bạn có thể vượt qua được cảm giác sợ hãi này. Bởi bạn đã hoàn thành công việc khó khăn nhất là viết, bây giờ là lúc để cho độc giả thưởng thức nó.”
Đúng vậy, hãy bắt đầu lập cho mình một kế hoạch để không cảm thấy áp lực khi phải chia sẻ, chia sẻ, chia sẻ mỗi ngày. Nếu bạn không dám công khai quá nhiều người, hãy tạo nên một vòng kết nối an toàn của bạn là những người thân thiết, bạn thực sự yêu thích. Dần dần, khi đã làm quen với việc chia sẻ, hãy mở rộng vòng kết nối của mình thêm nhiều người, thêm nhiều người hơn nữa, bạn sẽ thấy việc “bước ra thế giới” không khó như bạn nghĩ.
#3. Những giá trị gì mình sẽ có được khi viết blog?
Tạo blog này là một trong những quyết định đúng đắn nhất của mình. Blog này chính là nơi mình truyền cảm hứng, xây dựng thương hiệu cá nhân, gia tăng thu nhập và từng bước xây kế hoạch tự do tài chính. Quan trọng hơn, đây cũng là cách mình chia sẻ kiến thức và gia tăng giá trị cho cuộc sống.
Với mình có 9 lý do bạn nên viết blog ngay hôm nay:
- Rèn luyện khả năng viết lách
- Học những kỹ năng mới
- Làm CV/Portfolio trở nên nổi bật
- Xây dựng thương hiệu cá nhân
- Gia tăng thu nhập online
- Đối mặt với nỗi sợ hãi của bản thân
- Cung cấp cho mọi người một cách dễ dàng để liên hệ với bạn
- Gia tăng cơ hội xuất hiện trước khách hàng tiềm năng
- Xây dựng lòng tin của khách hàng
#4. Viết blog còn tiềm năng không?
Tính đến năm 2021, có hơn 570 triệu blog trên internet, dựa trên các hoạt động được báo cáo bởi WordPress, Tumblr, Blogger, Wix, Squarespace và Medium (và con số này đang không ngừng tăng lên).
Bất chấp những thay đổi liên tục, viết blog vẫn là một trong những công cụ tốt nhất (và tiết kiệm chi phí nhất) để xây dựng thương hiệu, kết nối với khách hàng, thúc đẩy sự tương tác và bán hàng. Theo Yourblogworks.com: viết blog thường xuyên giúp các công ty tăng 126% khách hàng tiềm năng, 80% blogger thấy kết quả kinh doanh tích cực từ nỗ lực viết blog. Điều này cho thấy, viết blog vẫn công việc cực kỳ tiềm năng để bạn phát triển.
#5. Viết blog nhưng không công khai bản thân có được không?
Hoàn toàn có thể được. Nếu không muốn công khai bản thân, bạn hoàn toàn có thể viết blog ẩn danh – tức là không đưa danh tính của mình lên. Hoặc tạo blog riêng về một chủ đề nào đó như một trang thông tin vậy. Tuy nhiên, trước khi xem xét đến việc công khai hay không công khai blog thì hãy xác định mục tiêu viết blog của bạn là gì.
Nếu bạn muốn viết để xây dựng thương hiệu cá nhân, thì chắc chắn bạn cần công khai bản thân, để mọi người nhận biết và ghi nhớ bạn. Còn nếu bạn muốn lập blog để làm tiếp thị liên kết cho 1 thị trường ngách nào đó, thì bạn hoàn toàn có thể không công khai bản thân.
#6. Nên học gì, ở đâu để bắt đầu viết blog?
Thực tế thì chị hoàn toàn có thể tự mày mò viết blog chỉ cần rèn luyện kỹ năng viết, lên kế hoạch và trau dồi thêm 1 số kỹ năng Marketing khác. Tuy nhiên, nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, quyết tâm, bởi giai đoạn đầu, chị phải học và rèn luyện rất nhiều. Không có ai chỉ dẫn, không có ai động viên, thúc giục, đồng hành. Đó là lý do rất nhiều người viết blog nhưng hiếm người thành công từ công việc này, bởi họ nhanh chóng từ bỏ.
Nếu có thể hãy đầu tư một khóa học viết blog chuyên nghiệp. Hiện tại, mình đang có khóa học 1:1 Xây dựng sự nghiệp từ viết lách được thiết kế phù hợp với nhu cầu và định hướng của bạn trong việc viết. Nó sẽ rất phù hợp với những bạn muốn trở thành blogger chuyên nghiệp và kiếm tiền từ nó. Nếu muốn thiết kế một khóa học viết blog riêng, bạn có thể nhắn mình để được tư vấn nhé!
Câu hỏi về lưu trữ Blog
#7. Blog là gì?
Trước khi bắt tay vào làm blog bạn phải hiểu được: blog chính xác là gì? Ngày trước, blog chỉ được coi là một trang nhật ký trực tuyến cá nhân. Cùng với sự dịch chuyển của xu hướng người dùng mà giờ đây blog đã được coi như một website nhưng nó mang tính cá nhân và lấy nội dung làm chủ lực.
#8. Blog dùng để làm gì?
Hầu hết, mọi người lập blog nhằm mục đích sau:
- Muốn có một nơi để lưu trữ các bài viết, để thỏa mãn đam mê viết lách hay phục vụ quá trình nghiên cứu
- Muốn chia sẻ những bài viết của mình tới người khác
- Muốn xây dựng sự nghiệp viết lách từ blog
- Muốn biến blog thành một công cụ kiếm tiền
- Xây dựng blog trở thành 1 kênh để bán sản phẩm
- Muốn biến blog trở thành một kênh PR cho bản thân
#9. Cấu trúc của blog
Cấu trúc của một blog thường có 4 phần cơ bản như sau:
- Tiêu đề (Header): phần background trên cùng của trang, chứa menu, thanh điều hướng hoặc logo.
- Khu vực nội dung chính (Main content): nơi tập hợp các bài viết hoặc các nội dung bạn muốn gửi tới độc giả.
- Thanh bên (Sidebar): cho phép bạn đặt các tiện ích(widget) như: giới thiệu tác giả, bài viết mới, bảng quảng cáo, các bài viết liên quan hoặc các điều hướng khác.
- Khu vực chân trang (Footer): chứa thông tin liên hệ hoặc các liên kết như menu điều hướng, chính sách bảo mật, blog của bạn bè…
Các câu hỏi này mình đã trả lời trong bài Cách tạo blog wordpress đơn giản trong 5 bước (ngay cả amater cũng làm được), các bạn có thể click vào để nắm thông tin chi tiết nhé!
#10. Sự khác biệt giữa blog và website
Đọc phần giới thiệu thì chắc hẳn nhiều bạn đang tự hỏi không biết blog với website thì có gì khác nhau đúng không? Thật ra, tất cả các blog đều là trang web (theo định nghĩa) nhưng không phải tất cả các trang web đều là blog.
Yếu tố tĩnh sẽ là yếu tố của một website, nó thường không có sự thay đổi đều đặn hầu như giữ nguyên một bố cục. Còn blog thì luôn hoạt động, thay đổi liên tục mỗi khi có một bài viết mới được đăng tải. Thường thì bài viết trên blog sẽ được sắp xếp theo thứ tự thời gian với bài mới nhất trên cùng
#11. Có những nền tảng blog miễn phí nào?
Nếu bạn muốn xây dựng một blog, điều đầu tiên (và quan trọng nhất) là chọn nơi viết blog ở đâu. Có rất nhiều nền tảng miễn phí bạn có thể dùng để tạo một blog chuẩn. Dựa trên độ phổ biến, tính năng và mức độ sử dụng, các nền tảng viết blog miễn phí tốt nhất hiện nay bao gồm:
- WordPress: là một trong những nền tảng blog phổ biến nhất, chiếm đến hơn 19% số website trên Internet hiện nay. Bạn có thể sử dụng WordPress để tạo ra các trang web từ đơn giản đến phức tạp với trình sử dụng khá đơn giản.
- Blogger: nền tảng blog miễn phí và dễ sử dụng đến từ Google. Tuy nhiên, độ phức tạp và sự đa dạng thì có lẽ không thể so được với WordPress Plugin. Tuy nhiên, tại Việt Nam cộng đồng Blogger không còn mạnh như trước vì đa phần họ đã chuyển sang sử dụng các nền tảng khác.
- Medium: là một nền tảng blog mới và đơn giản được tạo nên bởi nhà đồng sáng lập Twitter là Evan Williams và Biz Stone. Nó chú trọng vào nội dung hơn là tùy chỉnh về giao diện.
- Tumblr: được xem như nền tảng lai đầu tiên giữa blog và mạng xã hội. Được ưa chuộng nhiều ở nước ngoài, nhưng cộng đồng ở Việt Nam chưa thực sự phát triển mạnh
- Wix: Wix sử dụng giao diện trực quan và có các yếu tố được dựng sẵn hay các khối để sắp xếp vào một trang web. Với wix thì việc tạo trang hoàn toàn miễn phí.
Nên sử dụng nền tảng nào? Theo mình thấy thì nên sử dụng WordPress vì nó dễ sử dụng, dễ mở rộng, được đa số người dùng lựa chọn. Ngay cả blog cũ và blog hiện nay của mình đèu sử dụng nền tảng này. Tùy vào sở thích, các bạn có thể tự chọn nền tảng phù hợp.
#12. Tên miền là gì? Chọn tên miền như thế nào?
Tên miền (domain), là tên của một website hoạt động trên internet. Nếu ví trang web của bạn là một ngôi nhà thì tên miền sẽ là địa chỉ của ngôi nhà đó. Tên miền cần ngắn gọn, dễ nhớ để người đọc có thể dễ dàng tìm kiếm. Để lựa chọn được tên miền phù hợp bạn cần xác định mục tiêu xây dựng blog. Nếu bạn xây dựng blog cá nhân để xây dựng thương hiệu thì nên dùng tên thường gọi của mình. Nếu bạn xây dựng blog về thị trường ngách nào đó thì nên lấy luôn chủ đề ấy làm tên miền.
Như blog www.chuyencuatra.com thì mình xác định là blog để xây dựng thương hiệu cá nhân nên chọn trên Trà là tên thường gọi và thêm 1 cái tên nghe hay hay, kêu kêu đằng trước vào :))).
Ngoài ra, bạn cũng cần chọn đuôi tên miền. Một số đuôi tên miền phổ biến hiện nay là .com, .org, .net và .vn (đối với Việt Nam). Một số đuôi tện miền khác mới phát triển như: .xyz, .store, .biz, .tech, .shop, .club, .online. Trong đó, đuôi tên miền .com là được sử dụng nhiều nhất. Đuôi tên miền .net, thường được dùng cho nhà cung cấp internet (ISPs). Đuôi tên miền .org thì được dùng cho các tổ chức phi chính phủ. Còn đuôi .vn là dành cho những blog hoạt động tại thị trường Việt Nam. Nếu bạn không mua được tên miền .com thì nên chuyển sang .vn nhé!
Bạn có thể mua tên miền giá tốt, uy tín ngay tại Ten Ten. Hoặc sử dụng dịch vụ Setup blog từ A – Z để mình hỗ trợ bạn tất tần tật những thứ cần thiết nhé!
#13. Hosting là gì?
Hosting là một dịch vụ giúp bạn xuất bản blog, website hoặc ứng dụng web lên nền tảng online. Nó là một nơi có thể chứa tất cả các dữ liệu cần thiết để website của bạn chạy được. Nói dễ hiểu thì nếu blog của bạn là một ngôi nhà, tên miền là địa chỉ ngôi nhà, thì hosting chính là vùng đất mà ngôi nhà đó được xây dựng.
Để tìm hiểu nhiều hơn về hosting, các bạn có thể tham khảo ngay tại đây.
#14. Plugin là gì?
Nói một cách dễ hiểu, plugin là chương trình của bên thứ 3 mà bạn có thể đính kèm vào blog hoặc trang web trên nền tảng WordPress, để cung cấp thêm các chức năng giúp hiển thị và vận hàng blog/website tốt hơn.
Ngoài các plugin cơ bản cấu hình lên blog, thì mình cũng đang sử dụng thêm một số plugin để tăng tiệu quả như:
- Rank Math SEO PRO: Đây là một plugin mạnh mẽ cho các trang WordPress với nhiều công cụ hỗ trợ SEO tốt gúp website của bạn mau lên top google hơn. Không chỉ vậy, bên trong Rank Math Seo Pro còn cung cấp cho người quản trị nhiều công cụ để kiểm tra thứ hạng của blog, số lượng từ khóa đang lọt top google….
- Swift Performance: giúp tối ưu hóa toàn bộ JS/CSS/HTML/IMAGE giúp cải thiện tốc độ website của bạn, website của bạn sau khi được Swift Performance tối ưu sẽ có tốc độ tải trang cực nhanh < 300ms.
- kk Star Ratings: công cụ đánh giá bài viết (tính bằng sao) giúp tăng độ uy tín với Google và người đọc.
- Chứng chỉ SSL: là một tiêu chuẩn an ninh công nghệ toàn cầu tạo ra một liên kết được mã hóa giữa máy chủ web và trình duyệt. Liên kết này đảm bảo tất cả các dữ liệu trao đổi giữa máy chủ web và trình duyệt luôn được bảo mật và an toàn.
Nếu bạn muốn có một blog chuyên nghiệp với những plugin xịn sò trên để bắt đầu sự nghiệp kiếm tiền từ blog thì có thể tham khảo thêm tại đây.
Câu hỏi về set up blog
#15. Theme là gì?
Theme là giao diện của blog, website, nó là bộ mặt của một website giúp website trở nên thu hút hơn nhờ bố cục, sự sắp sếp nội dung, màu sắc và đa dạng các tính năng để website hoạt động một cách trơn tru.
Xem ngay bài viết: 5 Theme WordPress miễn phí cực hấp dẫn cho lĩnh vực ẩm thực để lựa chọn 1 số theme phù hợp với chủ đề của mình nhé!
#16. Làm sao để chọn chủ đề blog
Việc không lựa chọn đúng chủ đề khiến mình không còn động lực, muốn bỏ cuộc sau vài tháng. Theo mình thấy, có 4 sai lầm phổ biến mà mọi người thường mắc phải khi chọn chủ để blog đó là:
- Chọn chủ đề blog chỉ vì thấy người khác kiếm được nhiều tiền khi viết về nó
- Viết về tâm sự, viết nhật ký và … chẳng có ai đọc nó
- Viết về chủ đề không có chuyên môn hoặc có ít kinh nghiệm thực tế
- Viết về quá nhiều chủ đề, thiếu trọng tâm
Đúng vậy, đây là những sai lầm mà hầu như những ai mới bắt đầu cũng mắc phải. Và cách để tránh những sai lầm này là… cứ sai đi rồi sửa. Mình đùa thôi. Bạn hoàn toàn có thể loại bỏ những sai lầm này bằng cách áp dụng những cách được chia sẻ chi tiết tại bài viết này: 4 bí kíp giúp bạn chọn chủ đề blog dễ dàng hơn bao giờ hết.
#17. Có nên thuê dịch vụ set up blog không?
Để trồng một cái cây phải bắt đầu từ việc xử lý hạt, chuẩn bị giá thể, ươm hạt, chờ nảy mầm, bỏ những cây chết, chăm sóc đến khi có 3 – 4 lá, rồi chuyển ra đất trồng. Công đoạn này có thể mất từ 1 – 2 tháng. Và chắc chắn, số lượng cây sống so với hạt sẽ thấp hơn rất nhiều lần.
Nếu không rành về kỹ thuật ươm, làm đất, bạn có thể lựa chọn cách mua cây giống. Với việc này, tỷ lệ sống của cây là rất cao, thời gian thu hoạch được rút ngắn. Giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức và cả tiền bạc để trồng cây từ con số 0.
Để xây dựng blog, bạn có thể mày mò, mua mua, sửa sửa đến cả tháng để tạo nên blog tạm ổn. Bạn cũng có thể chọn dịch vụ setup blog từ A – Z để mua “một cái cây tươi tốt” và bắt đầu nuôi trồng. Để bắt đầu ngay sự nghiệp phát triển từ blog mà giá thành thì có khi rẻ hơn nhiều so với tự mày mò.
Bạn nghĩ mình nên chọn cái nào?
#18. Có cần biết về code trước khi làm blog không?
Mình nghĩ là không cần. Bạn chỉ cần biết về kỹ năng quản trị blog cơ bản như: đăng bài, chỉnh sửa bài viết, thêm chuyên mục, sửa thông tin blog như vậy là đủ rồi. Tất nhiên, nếu bạn có thể học để biết thêm thì càng tốt. Các vấn đề chỉnh sửa còn lại, bạn nên tìm đến người có chuyên môn để đảm bảo blog sẽ không thành “mớ bòng bong” khi bạn mày mò.
Nếu bạn sử dụng dịch vụ setup blog từ A – Z chúng mình sẽ hỗ trợ bạn những phần chỉnh sửa này. Việc của bạn chỉ là đăng bài thôi.
Câu hỏi về bài đăng trên blog
#19. Một bài viết blog nên dài bao nhiêu
Ở bài viết 40+ thống kê về blog 2021 giúp blogger lên kế hoạch phát triển hiệu quả mình có đưa ra rất nhiều thống kế về blog. Trong đó, có thống kê về độ dài bài viết trên blog như sau:
“55% blogger có kết quả tuyệt vời với các bài đăng trên 2000 từ. Các xu hướng cho thấy rằng, bài đăng trên blog ngày càng dài hơn mỗi năm. Số lượng bài viết trên 2000 từ tăng lên đáng kể. Trong đó, bài viết dài hơn 3000 từ có lưu lượng truy cập tăng lên đáng kể. Điều này không có nghĩa là cứ viết trên 3000 từ là có hiệu suất SEO tốt. Tuy nhiên, nó chỉ ra rằng các bài đăng dài hơn có hiệu suất SEO tổng thể tốt hơn.”
Về cơ bản độ dài bài đăng trên blog sẽ không quan trọng bằng việc xây dựng chất lượng nội dung bài viết thật tốt. Vậy nên cứ tập trung vào nội dung trước khi tính đến số lượng bạn nhé!
#20. Nên đăng bao nhiêu bài blog một tuần?
Tần suất đăng bài tùy thuộc vào đối tượng mục tiêu và chủ đề của blog. 22% các blogger trong cuộc khảo sát nói rằng họ đăng 2 đến 3 bài viết trên blog hàng tuần. 15% các blogger sản xuất và xuất bản nội dung hàng ngày và 67% cho biết họ đang có kết quả tốt. Tuy nhiên, chỉ 46% các blogger đăng nhiều lần mỗi ngày nói rằng họ có hiệu suất tốt.
#15. Các thể loại nội dung được sản xuất nhiều nhất trên blog là gì?
Không chỉ đăng tải nội dung dạng text, các blogger còn đăng tải rất nhiều thể loại khác nhau như: infographic, hình ảnh, video, biểu đồ… để gia tăng trải nghiệm người dùng. Trong đó, blog posts xếp đầu tiên với 85%, theo sau là infographics 61%, bài đăng truyền thông MXH là 56%, biểu đồ 46%…
39% blogger thêm 10 hình ảnh trở lên trong bài đăng cho kết quả tốt. Hình ảnh liên quan trực tiếp đến sự thành công của bài viết trên blog. 26% blogger thêm 2-3 hình ảnh cho biết có hiệu quả, trong khi 39% blogger thêm 10 hình ảnh trở lên nói rằng họ đã đạt được kết quả tốt.
Ngoài ra bạn cũng nên đưa thêm video, podcast vào blog. Khi được thực hiện đúng cách, âm thanh có thể tạo thêm “chiều sâu và gia vị” cho nội dung. Mặt khác nó giúp cho các độc giả có thêm lựa chọn đọc hoặc nghe bài viết của bạn.
#21. Làm thế nào để viết tiêu đề bài viết hiệu quả
Tiêu đề đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thu hút người đọc. Một tiêu đề tốt cần truyền đạt nội dung và mục đích của bài viết, đồng thời thuyết phục người đọc rằng họ nên đọc nội dung của bạn ngay.
Theo nghiên cứu thì tiêu đề blog có tối thiểu 8 từ có khả năng click tốt hơn 21%. Một tiêu đề dài hơn 8 từ sẽ giúp bạn cung cấp thông tin tới độc giả một cách chi tiết. Cùng với sự kết hợp hiệu quả giữa từ khóa và nội dung tiêu đề hấp dẫn, sáng tạo có thể giúp bạn tăng đáng kể tỷ lệ click vào bài viết.
Bạn có thể tham khảo thêm cách viết tiêu đề thu hút tại: 7 bí kíp đặt tiêu đề ẩm thực thu hút người đọc.
#22. Làm thế nào để người đọc để lại bình luận trên bài viết?
Cuối mỗi bài viết, hãy nhớ để lại một câu hỏi mở, chẳng hạn như “Bạn có đồng ý với quan điểm này không? Hãy chia sẻ ở dưới bình luận nhé!”. Ngoài ra, bạn cũng nên đi bình luận trên các blog khác trong lĩnh vực phù hợp với mình. Điều này sẽ giúp cho những người viết blog đó nhìn thấy bạn, click vào trang blog của bạn và biết đâu họ sẽ để lại comment với bạn thì sao?
Bạn có thể tham khảo cách viết kết bài thuyết phục tại đây.
#23. Làm thế nào để tối ưu bài viết trên các công cụ tìm kiếm?
Cách đơn giản nhất là tạo ra nội dung chất lượng và đảm bảo yếu tố SEO. Tối ưu SEO bài viết sẽ giúp nội dung của bạn có được thứ hạng cao hơn trên các công cụ tìm kiếm như Google. Bạn có thể xem thêm cách viết bài SEO cơ bản tại: Hướng dẫn chi tiết cách viết bài chuẩn SEO cơ bản. Ngoài ra, bạn có thể tham gia workshop Hướng dẫn cách viết bài SEO hiệu quả của mình tại đây.
#24. Các bài viết trên blog có cần chuẩn SEO không?
Cái này còn tùy thuộc vào mục tiêu em viết blog. Nếu em viết blog chỉ để chia sẻ tâm sự, giải tỏa căng thẳng, biến nó thành một cuốn nhật ký online thì em hoàn toàn có thể viết như mình mong muốn. Còn nếu em muốn viết để xây dựng thương hiệu cá nhân, bán hàng hay kiếm tiền từ blog thì chắc chắn không thể bỏ qua yếu tố chuẩn SEO.
Nếu bạn muốn tìm kiểu kỹ hơn về cách viết bài chuẩn SEO có thể tham khảo Workshop online: Hướng dẫn chi tiết cách viết bài SEO của mình nhé!
#25. Ảnh cho từng bài viết nên tự photoshop hay là lấy ảnh mạng?
Đối với ảnh cho từng bài viết tốt nhất là hình tự chụp, sau đó mới là hình thiết kế, mua ảnh stock, cuối hình là tải hình trên các website tải ảnh miễn phí như (Pixabay.com, Pexels.com…). Bởi vì sử dụng ảnh trên google bạn cần quan tâm đến bản quyền hình ảnh. Việc sử dụng lại ảnh của người khác mà chưa có sự đồng ý của họ có thể khiến bạn bị kiện, bị xóa website theo Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (Digital Millennium Copyright Act).
Ngoài ra, việc sử dụng ảnh của riêng bạn bao giờ cũng độc đáo và tạo dấu ấn riêng.
Giá trị từ blog
#26: Viết blog mang lại những giá trị gì?
Chính mình cũng không thể ngờ được là sau 10 tháng viết blog chuyên nghiệp mình đã tạo nên blog www.chuyencuatra.com khá xịn sò với hơn 50.000 lượt truy cập và được Google Adsense phê duyệt quảng cáo chỉ sau 2 ngày đăng ký. Hôm rồi tình cờ search tên blog trên Google mình còn thấy là nó được định giá là 20,601,000 VNĐ rồi đấy.
Nhưng điều khiến mình vui hơn đó là nhờ có blog này mà mình cũng được lựa chọn trở thành cây viết chính cho EMOI – trang thông tin trực tuyến của phụ nữ giữa hàng trăm CV khác với mức nhuận bút khá hấp dẫn. Lúc phỏng vấn, anh quản lý có nói rằng, thực ra lúc ấy đọc CV của mình không có gì đặc biệt cả, mà thấy mình để tên blog ở dưới email nên tò mò xem thử. Ai ngờ, chính những bài viết ở đó khiến mình được chọn và có được công việc đúng với sở thích.
Cùng với đó là nhiều cơ hội về viết lách như: viết bài PR, lời mời làm Content Leader cho một tạp chí về ẩm thực sắp ra mắt, viết bài chuẩn SEO… (Đến thời điểm cập nhật bài viết là 14/6/2021 thì tạp chí ẩm thực Nếm đã ra mắt rồi. Các bạn có thể xem thêm tại đây.)
Mình thấy rằng, blog này không chỉ là nơi mình rèn luyện viết mà nó còn là một “công cụ” hoặc một “kênh” để tự quảng cáo cho bản thân. Nó như một cách chứng thực rõ ràng nhất về chất lượng bài viết của mình. Thi thoảng mình lại nhận được lời cảm ơn về bài chia sẻ trên blog. Và nó còn đưa mình tới một lĩnh vực hoàn toàn mới đó là: kiếm tiền từ blog. Một cánh cửa mới đầy tiềm năng mà có thể hiện tại bạn chưa hề dám nghĩ tới.
#27: Vì sao viết blog sẽ gia tăng cơ hội kiếm tiền từ viết lách?
Tạo blog này là một trong những quyết định đúng đắn nhất của mình. Blog này chính là nơi mình truyền cảm hứng, xây dựng thương hiệu cá nhân, gia tăng thu nhập và từng bước xây kế hoạch tự do tài chính. Quan trọng hơn, đây cũng là cách mình chia sẻ kiến thức và gia tăng giá trị cho cuộc sống.
Với sự phát triển nhanh chóng của internet, ai ai cũng có thể tạo nên blog cho riêng mình. Có vẻ như việc viết blog đã đạt đến đỉnh cao và dần bão hòa? Không! Ở bài viết…. các bạn có thể thấy, viết blog vẫn là một trong những chiến lược tiếp thị nội dung phổ biến và hiệu quả hiện nay.
Tính đến năm 2021, có hơn 570 triệu blog trên internet, dựa trên các hoạt động được báo cáo bởi WordPress, Tumblr, Blogger, Wix, Squarespace và Medium (và con số này đang không ngừng tăng lên).
Ở bài viết 9 lý do viết blog cá nhân sẽ giúp bạn gia tăng cơ hội kiếm tiền từ viết lách mình đã chia sẻ rất kỹ về vấn đề này, các bạn tham khảo nhé!
#28: Kiếm tiền từ tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) trên blog như thế nào?
Mình bắt đầu bước vào hành trình ấy từ cuối tháng 12. Trong 1 tháng đầu, mình chủ yếu là tìm hiểu và nghiên cứu xem nên đi theo hướng nào. Vì blog của mình chuyên viết về viết lách, ẩm thực và sống xanh. Nên 1 tháng đầu mới viết được 1 bài đầu tiên và có được 5.000đ doanh thu.
Ấy thế mà sang tháng thứ hai mình đã bắt đầu thấy con số thống kê nhảy tinh tinh. Cảm giác sau 1 đêm ngủ dậy, tự dưng có tiền thì phấn khích lắm. Và kết thúc tháng thứ hai mình đã có 418.000đ hoa hồng đầu tiên. Sang tháng này, đến ngày 23 thì số tiền doanh thu cũng khoảng 444.000đ rồi.

Thực ra con số ấy quá là khiêm tốn nhưng với chỉ 4 bài viết gắn link affiliate mới được post lên mà đã nhận được ngần ấy hoa hồng thì mình thấy rất ổn rồi đúng không? Bởi vì thông thường tầm khoảng 3 – 5 tháng trở đi người ta mới bắt đầu có doanh thu từ hoạt động này.
Với những kiến thức đã tích lũy được trong thời gian “nằm vùng” ở rất nhiều website và kinh nghiệm thực tế, mình đã chia sẻ lại trong bài viết Mình đã kiếm tiền từ Affiliate Marketing như thế nào? Hướng dẫn chi tiết cho người mới bắt đầu. Các bạn click vào để đọc kỹ hơn nhé!
#29: Các blogger kiếm tiền từ blog của mình như thế nào?
Trong số tất cả các blogger tham gia khảo sát, 22% nói rằng họ không tạo ra bất kỳ doanh thu nào, trong khi 19% nói rằng Affiliate Marketing (tiếp thị liên kết) là nguồn doanh thu hàng đầu của họ. 17% kiếm được nhiều tiền nhất bằng cách bán các dịch vụ hoặc sản phẩm khác nhau cho độc giả của họ.
(Nguồn: Demandgenreport.com)
#30. Xu hướng phát triển blog trong tương lai như thế nào?
Hiện tại có hàng triệu trang web viết blog, hàng triệu blogger đang phát triển mỗi ngày trong khi số lượng độc giả cũng không ngừng gia tăng. Blog sẽ tiếp tục phổ biến trong nhiều năm tới, nhưng hình dạng, hình thức và nội dung của nó sẽ có nhiều sự thay đổi.
Dưới đây là một số dự đoán về xu hướng blog sẽ phát triển trong tương lai:
- Tập trung hơn nữa vào nội dung trực quan (hình ảnh, video,… hay bất cứ một hình thức nào kích thích thị giác trong bài viết)
- Thích ứng với xu hướng tìm kiếm bằng giọng nói
- Chuyển sang tìm kiếm trực quan
- Tập trung vào nội dung chất lượng cao
- Chuyển đổi sang các hình thức tiếp thị liên kết khác
- Nội dung dài hơn
- Chuyển sang viết blog theo hướng dữ liệu (liên tục theo dõi kết quả và sửa đổi nội dung của mình dựa trên những kết quả đó).
- Áp dụng SaaS (nhà cung cấp dịch vụ ứng dụng) lớn hơn
Viết blog có thể là một trong những cách tốt nhất để phát triển bản thân và gia tăng nguồn thu nhập. Tuy nhiên, bạn cần phải làm đúng nếu bạn muốn có được tất cả những lợi ích mà blog mang lại. Nếu muốn được tư vấn kỹ hơn về phát triển blog, phát triển bản thân hãy liên hệ với mình tại đây. Nếu có góp ý gì cho bài viết, chúng ta cùng thảo luận nhé!
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của Trà. Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.