Nếu bạn yêu thích ẩm thực và muốn phát triển trong lĩnh vực này, thì yếu tố đầu tiên bạn cần đó là: hiểu đúng về food writing. Việc này sẽ giúp bạn xác định được mình cần tập trung vào những khía cạnh nào, mình cần mô tả ra sao, để từ đó tạo nên nội dung cuốn hút độc giả. Hãy cùng mình tìm hiểu ngay nhé!
Food writing là gì?
Một công thức nấu phở truyền thống. Lịch sử của trà. Một bài đăng blog về ẩm thực đường phố Hà Nội. Nơi có bánh bông lan trứng muối ngon nhất. Hướng dẫn nấu ăn tiện lợi, thân thiện với môi trường…
Food writing hay còn gọi là viết về ẩm thực có thể là hàng chục chủ đề khác nhau. Hàng trăm người từng xuất bản sách và các bài viết về ẩm thực. Một số có thể mới bắt đầu.
Người viết về ẩm thực coi thức ăn là một chất, một hiện tượng văn hóa. John T. Edge – một nhà văn về ẩm thực người Mỹ, giải thích cách các nhà văn trong thể loại này xem chủ đề ẩm thực quan trọng như thế nào:
“Thực phẩm cần thiết cho cuộc sống. Nó được cho là ngành công nghiệp lớn nhất của các quốc gia. Thực phẩm, chứ không phải tình dục, là thú vui thường xuyên nhất của chúng ta. Thực phẩm – quá nhiều, không đủ, không đúng loại, sai tần suất – là một trong những nguyên nhân lớn nhất của xã hội bệnh tật và cái chết.” (1)
Nhà văn ẩm thực Mỹ – Mark Kurlansky đã liên kết trực tiếp tầm nhìn về món ăn với bài viết, đưa ra phạm vi của nó rằng:
“Thực phẩm là về nông nghiệp, về sinh thái, về mối quan hệ của con người với thiên nhiên, về khí hậu, về xây dựng quốc gia, các cuộc đấu tranh văn hóa, bạn và thù, liên minh, chiến tranh, tôn giáo. Đó là về ký ức và truyền thống, thậm chí là về tình dục.” (1)
Ngay cả lý do khiến bạn muốn viết về ẩm thực, cũng đã mô tả một phần nào định nghĩa:
- Bạn thích kể câu chuyện cuộc đời và truyền lại công thức nấu nướng cho người khác?
- Bạn là người đang làm việc trong lĩnh vực ẩm thực: phục vụ, đầu bếp, quản lý/sáng tạo nội dung cho thương hiệu ẩm thực, làm nội trợ… và sẵn sàng chia sẻ những công thức, mẹo hay trong nấu ăn?
- Bạn say mê lịch sử của một loại ẩm thực hay phong cách ẩm thực nhất định và muốn nghiên cứu nó?
- Bạn muốn viết một cuốn sách nấu ăn dựa trên chuyên môn mà bạn có?
- Bạn cũng thấy có hứng thú với một cuốn sách dạy nấu ăn liên quan tới những nhóm thực phẩm khác nhau (ăn chay, thực dưỡng) hay liên quan tới chứng dị ứng của con tôi và tin rằng nhiều người cũng cần nó?
- Bạn muốn khám phá ẩm thực của một đất nước, vùng đất mới mà nhiều người cũng tò mò yêu thích?
Nói tóm lại, viết về ẩm thực bạn sẽ lấy món ăn làm trung tâm bao gồm: công thức nấu ăn, câu chuyện, lịch sử món ăn, văn hóa bản địa, nghệ thuật thưởng thức món ăn, hồi ký hay truyện ngắn, tiểu thuyết… Nó cũng nhằm mang tới cho người đọc một trải nghiệm thẩm mỹ hay thể hiện tình yêu của mình với ẩm thực.

Do đó, bất cứ điều gì thúc đẩy thì để viết về ẩm thực, luôn có một yêu cầu chung tồn tại gần như bắt buộc dành cho bạn đó là: bạn phải thích ẩm thực, phải ăn được và có thể viết về nó. Nếu bạn có khao khát, kiên trì và kỹ năng viết, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu sự nghiệp viết lách về ẩm thực của mình. Và cuốn ebook: “Hướng dẫn chi tiết cách viết nội dung ẩm thực” sẽ giúp bạn biết những cách cơ bản để biến khao khát đó thành hiện thực.
Food writing cần những yêu cầu gì?
Một số bạn có thể nghĩ ngay tới thứ gì đó cụ thể khi nhắc tới một bài viết về ẩm thực, chẳng hạn như nó phải kích thích giác quan người đọc/xem, phải làm cho người xem thèm thuồng. Các cây viết về ẩm thực thực sự phải biết tận dụng sự quyến rũ của các giác quan một cách thông minh, có kiểm soát và ý thức. Bài viết về ẩm thực phải thúc đẩy được hành động, chẳng hạn như muốn nếm thử, nấu thử hoặc nhìn thử. Một số thì lại muốn tập trung vào yếu tố niềm vui và sự thích thú.
Viết về ẩm thực thường đòi hỏi phải mô tả được hương vị, kết cấu, mùi và mang đến trải nghiệm thay vì chỉ chia sẻ về một kinh nghiệm chung chung.
Chẳng hạn mình viết một đoạn như thế này:
“Để tạo ra một tách trà thơm thì những mầm trà cần được nuôi dưỡng từ hương của đất, của trời, của nắng, gió, mưa và của cả những giọt mồ hôi của người trồng. Rồi phải trải qua rất nhiều thử thách, trải qua lửa đỏ của chảo rang, qua sự nhào nặn của bàn tay người làm, qua nước sôi của người pha. Rất nhiều công đoạn, mới có trên tay một tách trà thơm ngon. Để đến khi nâng chén trà, ít ai uống vội vàng, mà thường uống chậm rãi khoan thai để cảm nhận, lắng nghe hương vị của nó.”

Đây có thể coi là một bài viết dạng “food writing”, bởi vì “tách trà” là chủ đề chính. Nhưng có rất nhiều thứ khác bạn cũng có thể tưởng tượng ra: bối cảnh, địa hình, bầu không khí, các mối quan hệ, màu sắc, không gian… tất cả được vẽ ra một cách sống động.
Cách chúng ta viết về ẩm thực thường “động chạm” tới rất nhiều giác quan: xúc giác, khứu giác, thị giác, vị giác, thính giác… Nhiều người khi mới bắt đầu tập viết lại hay tập trung vào cách chế biến thức ăn, mùi vị mà bỏ qua những giác quan khác. Có một bài tập khá thú vị cho các bạn khi viết về ẩm thực, đó là hãy tìm và liệt kê ra càng nhiều những tính từ liên quan tới các giác quan càng tốt (nếu gắn trong một bối cảnh bài viết thì càng hữu ích).
Những cây viết lâu năm và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này thường đưa rất nhiều giác quan vào một đoạn văn bản, với một bối cảnh cụ thể.
Chẳng hạn mình viết một đoạn như thế này:
“Thưởng thức trà sen Tây Hồ bạn không chỉ cảm nhận được hương sen thơm ngát, vừa dịu dàng, vừa tinh khiết [khứu giác, vị giác] lại vừa thoáng nồng mùi trà, mùi của trời đất [khứu giác, vị giác] mà còn được thưởng thức vị ngọt đượm, thanh mát của sen, vị chát nhẹ nhàng [vị giác]của trà. Qua từng tuần trà, mọi lớp hương vị dần dần được khơi mở, bung tỏa, khiến người ta cứ muốn uống thêm chút nữa. Dù bạn uống đến ấm thứ ba, thứ tư, vị trà đã nhạt đi, nước ngả màu trắng [thị giác] nhưng hương sen vẫn còn quyện trong trà.”
Trong số đó, mùi là quan trọng nhất, vì nó là thứ bạn cảm nhận được đầu tiên. Chúng ta không nên nếm thức ăn khi đang bị cảm lạnh, sổ mũi, vì bạn sẽ chẳng cảm nhận được gì. Theo Physiology of Taste của Jean- Anthelme Brillat-Savarin, tác giả từng có một bình luận rất nổi tiếng là “Tell me what you eat and I will tell you what you are” thì món ăn không có mùi không phải món ăn trọn vẹn.
Tầm quan trọng của mùi cũng không kém tầm quan trọng của vị đối với một món ăn – Ảnh: Internet
Mùi cũng tạo ra những cảm xúc, cảm giác hoài cổ và ký ức một cách không tự nguyện (được biết đến là Hiệu ứng Proustian). Người ta có thể trải nghiệm một mùi gì đó khiến kích hoạt được ký ức, vị giác thời thơ ấu và khơi gợi một cảm xúc mạnh mẽ, tác động tới dạ dày.
Tuy nhiên, mùi vị là thứ khó nắm bắt, và viết về chúng cũng không dễ dàng. Trong cuốn sách Lịch sử tự nhiên về các giác quan, Diane Ackerman từng viết rằng: “mùi thơm có thể che chở chúng ta, bủa vây lấy chúng ta, thâm nhập vào cơ thể và tự chúng ta phát tiết ra mùi. Chúng ta sống cùng với các loại mùi. Nhưng nếu cố gắng mô tả một cách bịa đặt, không có trải nghiệm thì chúng ta sẽ thất bại.”
Rất nhiều cây viết truyền đạt nội dung về hương vị, mùi hương bằng cách sử dụng các từ ngữ giống như nhau, na ná nhau và khiến cho bài viết mất đi tính khác biệt. Sự trải nghiệm thực tế ở đây là rất quan trọng.

Rất dễ để các cây viết bị cuốn theo các tính từ khi viết về những giác quan. Bởi tính từ là lựa chọn hoàn hảo để mô tả mùi, vị, cảm nhận. Nhưng lạm dụng nó sẽ làm bài viết trở nên sáo rỗng và không còn hấp dẫn. Bạn có thể xem bài viết: 200++ tính từ miêu tả hương vị tiếng việt (tặng kèm bản in miễn phí) để trau dồi thêm vốn từ ẩm thực cho mình.
Hương vị và mùi rõ ràng rất quan trọng trong việc viết về ẩm thực nhưng cảm giác, sự tiếp xúc với xúc giác cũng không kém phần quan trọng. Cầm nắm sờ mó có thể giúp người đọc cảm nhận được độ chín của một trái dâu mọng, hay mức chín vừa – chín kỹ của một miếng bít tết.
Các cây viết về ẩm thực cũng nên theo dõi và để ý những cảm giác vật lý khác như: cảm giác vận động khi khuấy chất lỏng, giúp ta phát hiện những thay đổi vật lý và sự nhạy cảm của nhiệt độ khi nước sốt bắt đầu đặc lại. Hay khi bạn véo một mẩu bánh mì, chúng ta nên véo chúng ở giữa ngón trỏ và ngón cái, kéo nó ra từ từ để nhìn thấy những lớp bánh xốp và cảm nhận bánh có đủ độ nở không hay là quá đặc.
Tiếp theo đó là hình ảnh trực quan. Viết về ẩm thực đôi khi cũng giống như việc chụp một bức ảnh. Người ta không chỉ cảm nhận được mùi hương, kích thích vị giác mà còn tưởng tượng ra được món ăn trình bày ra sao.
Giờ hãy thử đọc chậm và tưởng tượng đoạn viết tôi mô tả một chiếc bánh táo này: “Lớp vỏ giòn như bánh quy bơ, dễ vỡ đến nỗi bạn vừa chạm dĩa vào nó đã có thể nứt ra. Những hạt đường quế hơi bật ra khỏi bề mặt khi vỏ bánh vỡ. Lớp dưới vỏ bánh ngoài mềm hơn, có màu nâu và vẫn dễ vỡ. Ở giữa lớp vỏ trên và vỏ dưới chính là phần xi rô táo dày thơm lừng vị trái cây chính, vừa dẻo vừa mềm.”

Cuối cùng, viết về ẩm thực cũng có nghĩa là viết về âm thanh. Tiếng nồi cơm lúc đượm lửa lục bục sôi. Tiếng mỡ rán tí tách hay tiếng hành tỏi phi xèo xèo trên chảo nóng. Tiếng đũa bát khua vào nhau lúc sắp mâm cơm. Tiếng xuýt xoa vì bỏng tay sau khi bê một tô canh nóng. Mô tả âm thanh thực ra cũng không quá khó. Cái khó là dùng đúng từ và không làm quá nó lên. Nhiều cây viết mô tả quá đà khiến bài viết trở nên hào nhoáng mà thiếu đi sự thanh lịch, cố gắng sử dụng ngôn từ gợi cảm nhưng không khiến người đọc cảm thấy niềm vui hay sự thuyết phục.
Tóm lại thì, làm thế nào để một cây viết ẩm thực có thể mô tả được những giác quan? Có lẽ cách tốt nhất để có thể chạm được tới các giác quan là khi chúng ta thực sự nếm, trải, thử trước khi viết về nó. Chúng ta không áp đặt hay những món ăn và nguyên liệu ta viết về theo những cách thông thường người ta vẫn nghĩ. Chẳng hạn như để mô tả món sụn chân gà giòn, đâu phải chỉ có thể nói rằng nó “giòn rụm” hay “giòn tan”. Nếu như viết rằng “Tiếng nhai sụn chân nghe rau ráu”, người ta vẫn có thể cảm nhận về độ “giòn” của nó kia mà.
Bạn muốn được học, hướng dẫn kỹ thuật viết và nhận trợ giúp chi tiết. Tham khảo ngay khóa coaching 1:1 của mình tại đây.
Bài viết thuộc danh sách bài đăng tham gia thử thách 90 ngày viết lách. Khi mình tiếp tục xuất bản các bài viết trên blog hàng ngày, mình sẽ cập nhật danh sách này cho đến khi nó có thêm 89 bài viết khác. Theo bạn liệu mình có thể viết 90 bài blog liên tục trong 90 ngày không? Cùng theo dõi tại đây nhé.
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của Trà. Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.