Bạn yêu thích viết lách, bạn muốn viết để giải trí, trò chuyện, giải tỏa căng thẳng hay muốn xây dựng sự nghiệp từ viết lách. Thế nhưng, bạn lại không biết bắt đầu từ đâu, bắt đầu như thế nào? Liệu một người học thiên về tự nhiên như bạn thì có thể viết không?
Nếu theo dõi blog Chuyện của Trà thường xuyên, hẳn bạn cũng biết rằng xuất phát điểm của mình là một cô sinh viên sư phạm Toán. Đúng vậy, bạn không nghe nhầm đâu, mình học chuyên về Toán. Một cô sinh viên sư phạm Toán mà có thể làm người viết ư? Tại sao không nhỉ? Mình nghĩ rằng, chỉ cần bản thân mong muốn và bắt tay vào hành động thì không gì có thể làm khó chúng ta cả.
Viết lách không chỉ dành cho những nhà văn, nhà thơ những người đã có tài năng bẩm sinh hay được đào tạo bài bản. Viết lách dành cho tất cả chúng ta. Không cần biết bạn là nông dân, nội trợ, dân kỹ thuật hay bác sĩ, bạn đều có thể bắt đầu viết và trở thành một cây viết thực thụ.

Với một người có hơn 6 năm làm công việc viết lách, tự bắt đầu học Marketing, học về content thì mình có thể khẳng định với bạn rằng: Viết lách không khó, cái khó là làm sao để mình bắt đầu viết, viết mỗi ngày! Và ở bài viết dưới đây, mình sẽ chỉ cho bạn những cách đơn giản để bắt đầu.
3 trở ngại khi bắt đầu viết
Trước khi bắt tay vào viết, bạn cần phải biết rằng sẽ có 3 trở ngại lớn nhất bạn gặp phải đó là: không biết viết gì, sợ rằng bài viết không hoàn hảo, mất động lực và muốn từ bỏ.
Không biết viết gì
Chắc hẳn các bạn đã từng gặp tình trạng: ngồi trước màn hình máy tính hoặc trước tờ giấy trắng tinh mà không biết viết gì.
– Mở bài như thế nào?
– Viết về chủ đề gì đây?
Và sau một thời gian suy nghĩ, rốt cuộc bạn vẫn không thể viết được từ nào. Rồi bạn nghĩ, mình không biết viết, mình không thể viết được đâu! Từ bỏ thôi! Và thế là chẳng bao giờ bạn viết thêm được một dòng nào nữa.
Lúc này cần phải làm gì?
Thứ nhất bạn phải hình thành cho mình 1 niềm tin rằng: VIẾT LÁCH KHÔNG KHÓ VÀ BẠN HOÀN TOÀN CÓ THỂ VIẾT.
Bạn biết không, viết lách không chỉ dành cho những nhà văn, nhà thơ những người đã có tài năng bẩm sinh hay được đào tạo bài bản. Viết lách dành cho tất cả chúng ta. Không cần biết bạn là nông dân, nội trợ, dân kỹ thuật hay bác sĩ, bạn đều có thể bắt đầu viết và trở thành một cây viết thực thụ.
Như bản thân mình xuất phát điểm cũng học chuyên khối A. Thời gian đầu đến với viết lách, mình cũng rất chật vật, nhưng cuối cùng mình vẫn vượt qua và đi đến được ngày hôm nay. Vậy nên nếu hôm nay, bạn cũng đang gặp khó khăn khi viết, không sao cả, hãy cứ đón nhận, học hỏi và bước qua nó.
Thứ 2, sau khi ngồi xuống viết hãy đặt ra mục tiêu bằng giá nào cũng phải viết.
Hãy mở đầu bằng một câu văn nào đó, cho dù đọc nó chẳng hay như bạn tưởng tượng. Bạn không viết để tham dự một cuộc thi vậy nên không phải sợ ai đánh giá bạn viết tốt hay không tốt. Hãy cứ viết chính những điều mình nghĩ chẳng hạn:
“Tôi đang ngồi trước màn hình máy tính. Màn hình trắng tinh như miếng đậu hũ tôi mua lúc chiều. Tôi biết lúc này mình cần phải viết nhưng rốt cuộc tôi chẳng biết viết gì. Tâm trí của tôi như đang lang thang ở một chân trời xa vắng. Nó cứ mải miết rong chơi mà tôi chẳng thể nào kéo nó về được. Tôi cảm giác khi đặt tay vào bàn phím, đầu óc như trống rỗng. Mọi con chữ như bị rút cạn đi đâu đó. Có lẽ tôi cần phải tĩnh tâm hơn một chút, tập trung hơn một chút để có thể bắt đầu viết gì đó.”
Đừng quan tâm là nó hay hay nó dở, hãy cố gắng diễn đạt những suy nghĩ trong lòng hay những ý tưởng trong đầu. Chỉ cần bạn viết ra được thôi, dần dần, bạn sẽ thấy việc viết không còn khó khăn như tưởng tượng. Mình tin sau khoảng 21 ngày hoặc 3 tháng viết đều đặn, bạn sẽ thấy như tìm được một động lực sâu thẳm từ bên trong để viết. Lúc này viết không phải là việc bị ép buộc mà nó như là một cách để bày tỏ con người bên trong của bạn.

Sợ rằng bài viết không hoàn hảo
Sau khi đã vượt qua được trở ngại thứ nhất và bắt đầu viết nhiều hơn, thì đây là lúc trở ngại thứ hai hình thành. Hàng loạt những câu hỏi bắt đầu nảy ra trong đầu bạn như:
- Mình viết thế này có dở quá không?
- Mình viết như này đã đủ hay chưa?
- Có ai muốn đọc những gì mình đang viết hay không?
- Liệu mọi người sẽ nói gì về bài viết này?
- Có ai cười nhạo mình không?
Những câu hỏi này như một tảng đá, đè nặng lên đôi tay mới bắt đầu viết, khiến bạn hoang mang, không dám xuất bản và dần dần mất đi động lực viết. Nhiều bạn thì đặt tham vọng quá lớn vào bài viết, lúc nào cũng nghĩ làm sao để viết hay nhất, nổi bật nhất, có nhiều độc giả nhất. Để rồi, khiến tâm lý khi viết của bạn trở nên hết sức nặng nề.
Nhưng bạn biết không, cho dù bạn rất giỏi ở lĩnh vực nào đó, thì với viết lách bạn cũng chỉ mới bắt đầu mà thôi. Do đó, hãy chấp nhận mình là một người mới bắt đầu và xuất bản bài viết cho dù nó chưa tốt, chưa hoàn hảo như bạn mong muốn.

Mất động lực và muốn từ bỏ
Sau khi viết được 1 thời gian, nhiều bạn bắt đầu cảm thấy chán nản, mất phương hướng. Hoặc khi nhận được quá ít like, comment thậm chí là không ai đọc bài viết, trong khi những người khác đang phát triển rất nhanh. Điều ấy, khiến bạn nhanh chóng nghĩ rằng: “có lẽ mình không hợp với việc viết, mình không có năng khiếu viết” và dần dần muốn từ bỏ.
Lúc này, đừng cố ép bản thân phải viết. Hãy dành ra vài ngày để nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần và trả lời cho mình câu hỏi: Vì sao mình viết? Khi trả lời được câu hỏi này bạn sẽ tìm được lý do để có thể bắt đầu viết trở lại. Ngay cả những cây viết chuyên nghiệp, thỉnh thoảng họ vẫn cảm thấy chán viết, thấy việc viết thật tẻ nhạt. Nhưng bạn thấy không, họ vẫn có thể viết đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần. Đơn giản là bởi vì họ xác định được lý do mình viết.
Với mình, mình viết để truyền cảm hứng. Thông qua việc viết, mình có thể chọn ngôn ngữ để tác động đến suy nghĩ và hành động của người khác. Tuy không phải là người thông thái hay chuyên gia, nhưng mình thích chia sẻ những góc nhìn chân thực từ bản thân, những ý tưởng tâm đắc để mang đến cho người đọc một góc nhìn mới mẻ, những cảm xúc tích cực và biết đâu có thể truyền cảm hứng tích cực cho mọi người.
Viết cũng giúp mình thỏa mãn niềm đam mê ngôn ngữ, để vượt qua nỗi buồn để ghi nhớ tốt hơn và viết cũng là động lực để mình không ngừng học hỏi mỗi ngày.
Cho dù lý do để viết là gì đi chăng nữa thì đó cũng là một điều tốt. Vậy nên cứ viết đi, đừng nghĩ nhiều.

5 bước để bắt đầu viết, bắt đầu luyện viết mỗi ngày
Rồi sau khi đã xác định được những trở ngại mà bản thân có thể gặp phải khi bắt đầu viết, thì đây chính là lúc xây dựng kế hoạch để bắt đầu. Hãy thực hiện theo 5 bước dưới đây để bắt đầu tạo nên những bài viết của chính mình.
Bước 1. Chọn chủ đề: viết cho chính mình
Hãy quên những độc giả của bạn đi. Hãy dành tặng những bài viết đầu tiên cho chính bạn. Chỉ cần hướng sự tập trung của bạn vào cảm xúc, ý tưởng và quan điểm của bạn về bản thân, gia đình, những câu chuyện cuộc sống hay bất cứ một vấn đề nào. Hãy viết hết những suy nghĩ bên trong của mình trên một cuốn sổ hoặc trên máy tính. Điều này sẽ giúp bạn biết cách trình bày cảm xúc qua những con chữ và học cách viết ngay từ trái tim mình. Nó sẽ giúp duy trì sự yêu thích của bạn với việc viết.
Chẳng hạn: bạn có thể ghi lại cơ nóng giận trong ngày của mình.
- Nó diễn ra như thế nào?
- Nguyên nhân sâu xa của nó là g?
- Bạn thấy nó tác động đến cơ thể như thế nào (nóng lồng ngực, đau đầu, tăng nhịp tim)?
- Rồi tiếp theo bạn phản ứng với cơn nóng giận đó ra sao?
- Bạn kiềm chế, chuyển sự tập trung sang hướng khác hay la hét, đập phá, quát mắng người khác?
Hãy ghi lại trung thực tất cả những gì đã xảy ra với bạn. Điều ấy không chỉ giúp bạn có thể luyện tập viết đều đặn mà còn giúp bạn học cách xử lý những cơn nóng giận của chính mình.

Bước 2. Đặt ra mục tiêu cho bản thân
Nhiều bạn học viên của mình khi mới bắt đầu luyện viết thường đặt ra mục tiêu quá sức với bản thâm như: viết 1000 từ/ngày. Điều này khiến các bạn nhanh chóng cảm thấy quá tải và muốn bỏ cuộc.
Bạn biết không mình đã mất 5 năm để có thể tạo nên thói quen viết 3000 từ mỗi ngày chỉ vì đặt mục tiêu tham lam như vậy. Khi bắt đầu trở thành freelance writer, mình đã học cách bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ như: viết 200 từ mỗi ngày rồi tăng dần lên 500 từ, 1000 từ và 3000 từ ở thời điểm hiện tại.
Một cuốn tiểu thuyết 70.000 từ có thể được trong 1 năm bằng cách viết 200 từ mỗi ngày. Viết là chặng đua dài hạn, không quan trọng bạn chạy nhanh đến đâu quan trọng là bạn có bền bỉ để đưa bản thân về đích hay không.
Bạn có thể tham gia group Xây dựng sự nghiệp từ viết lách và bắt đầu tạo dựng mục tiêu viết cho mình để cùng thực hiện với những cây viết khác. Trong group cũng đang tổ chức Thử thách 90 ngày viết lách. Đây là cơ hội và môi trường rất tốt để bạn bắt đầu viết và xây dựng thói quen viết lách đấy.
Và đừng quên dành tặng cho bản thân những phần thưởng dù là nhỏ thôi mỗi khi hoàn thành một mục tiêu nhé!
Bước 3. Chuẩn bị công cụ, thời gian và không gian để viết
Đó có thể là sổ, bút, máy tính hay chỉ là chiếc điện thoại cùng một không gian khiến bạn thấy thoải mái, dễ chịu và có thể tập trung.
Đó có thể là một quán cà phê yên tĩnh, một bàn làm việc gọn gàng, một chiếc đèn học với ánh sáng màu vàng vào đêm khuya…
Đó có thể là sáng sớm, giờ nghỉ trưa hay trước khi đi ngủ.
Bất cứ nơi nào, thời gian nào có thể khiến bạn cảm thấy tập trung và có cảm hứng, lúc ấy hãy ngồi xuống và viết. Bạn nên chuẩn bị sẵn trong đầu những công cụ, thời gian và không gian từ tối hôm trước, để tiềm thức của bạn bắt đầu ghi nhớ và hành động theo vào hôm sau. Nó sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất để hoàn thành mục tiêu.
Bước 4. Tập trung viết
Nhiều người nói rằng, khi mới bắt đầu tập viết họ không thể tập trung, họ dễ dàng bị sao nhãng bởi mọi thứ xung quanh. Vậy phải làm như thế nào?
Mình cũng như các bạn, cũng là một người rất khó tập trung, nhưng mình đã khắc phục tình trạng này bằng cách sử dụng phương pháp “quả cà chua” – Pomodoro. Mình học cách đặt ra một thời gian cụ thể chỉ để tập trung vào viết. Bắt đầu từ 10 phút rồi 20 phút và bây giờ mình đang giữ ở mức 25 phút. Sau đó nghỉ 5 phút để chơi và và lại bắt đầu 1 phiên làm việc 25 phút mới.
Bạn có thể truy cập vào trang web http://tomato-timer.com/ hoặc tải áp Tomato trên điện thoại để có một chiếc đồng hồ điện tử giúp theo dõi Pomodoro được tốt hơn. Mình sẽ chia sẻ chi tiết hơn về phương pháp này trong các bài sau. Các bạn nhớ theo dõi nhé.
Bạn cũng có thể sử dụng ứng dụng viết nguy hiểm The Most Dangerous Writing App để có thể bắt đầu luyện viết. Ứng dụng này hay ở chỗ, nó bắt buộc bạn phải viết dù là bất cứ câu gì, dù có sai chính tả đi chăng nữa. Bởi nếu bạn ngừng viết quá 5 giây, tất cả những nội dung bạn vừa tạo ra sẽ biến mất.
Chính vì sự “nguy hiểm” này mà công cụ The Most Dangerous Writing App rất thích hợp để dành cho những bạn mới bắt đầu tập viết, tức là viết ra mọi thứ trong đầu. Không cần quan tâm ngữ pháp, chính tả hay câu cú. Chỉ cần viết ra mọi thứ đang tồn tại trong suy nghĩ của bạn. Nó sẽ khiến bạn tập trung vào những suy nghĩ bên trong để gõ ra bàn phím. Dần dần bạn sẽ thấy khả năng tập trung của bản thân tăng lên đáng kể.
Bước 5. Xuất bản bài viết (nếu bạn muốn)
Cuối cùng, hãy cân nhắc việc đăng tải bài viết của bạn. Bạn có thể viết ra 1 cuốn sổ dành riêng cho bản thân mình hoặc lập một blog miễn phí trên mạng nếu chưa tự tin có thể đăng tải bài viết với mọi người.
Trong đó, mình nghĩ việc lập ra một blog riêng là một gợi ý rất tốt. Ở thời điểm này bạn nên lập một blog miễn phí trên các nền tảng có sẵn như WordPress, blogger… Mình có một bài viết hướng dẫn các bạn lập blog miễn phí trên wordpress các bạn có thể xem tại đây. Tuy nhiên, nếu xác định muốn xây dựng sự nghiệp từ viết lách, mình khuyên các bạn nên xây dựng một blog chuyên nghiệp ngay từ đầu. Để có thể lấy đó là sản phẩm quảng bá và phát triển các dịch vụ viết lách về sau. Bạn cần trợ giúp để làm blog? Tham khảo gợi ý này ngay nhé!
Blog có ưu điểm là tính chia sẻ tốt, mà lại an toàn nhẹ nhàng hơn Facebook. Trong quá trình viết blog, biết đâu bạn có thể kết nối và có thêm bạn bè từ những người viết blog khác, hoặc những người cùng chung suy nghĩ, hoàn cảnh. Và rất có thể những độc giả trung thành đầu tiên của bạn sẽ bắt đầu từ đây đó. Dần dần, khi đã làm quen với viết lách rồi thì bạn có thể mở rộng ra nhiều chủ đề khác nhau và cũng có thể bắt đầu nghĩ đến việc viết để kiếm tiền.
Tiếp theo, bạn có thể xuất bản nó trên trang cá nhân trên mạng xã hội, nhóm về viết lách hoặc tâm sự. Chẳng hạn như group Xây dựng sự nghiệp từ viết lách của mình.
Nếu tự tin hơn, bạn hoàn toàn có thể thử gửi nó đến các tờ báo. Biết đâu bài viết của bạn sẽ được nhận và bạn có thể kiếm tiền ngay từ những bước đầu tiên thì sao?
Với những người mới bắt đầu tập viết, việc xuất bản bài viết có thể đáng sợ, nhưng mình mong bạn có thể vượt qua được cảm giác sợ hãi này. Bởi bạn đã hoàn thành công việc khó khăn nhất là viết, bây giờ là lúc để cho độc giả thưởng thức nó.

Nếu bạn cần thêm gợi ý về ý tưởng viết thì hãy tham gia group Xây dựng sự nghiệp từ viết lách nhé. Mình có hướng dẫn chi tiết theo từng ngày cho các bạn đấy.
Rồi bây giờ bạn đã nắm trong tay 5 bước đơn giản để có thể bắt đầu viết. Việc của bạn bây giờ là, ngồi xuống và bắt đầu lên kế hoạch cho bản thân. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thể bắt tay vào viết và xây dựng sự nghiệp viết lách của riêng mình. Bạn có gặp khó khăn nào và cần mình hỗ trợ không? Hãy để lại bình luận nhé!
Bạn muốn được học, hướng dẫn kỹ thuật viết và nhận trợ giúp chi tiết. Tham khảo ngay khóa học viết 1:1 của mình nhé!
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của Trà. Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.