Lịch sử của trà phát triển gắn liền với quá trình phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội. Bắt đầu từ nguồn gốc huyền thoại, trà đã trở thành thức uống được ưa chuộng thứ hai thế giới.
Ít ai biết rằng, trà trước khi được biết đến như một thức uống nổi tiếng trên thế giới thì nó là một vị thuốc.
Cùng với quá trình phát triển của lịch sử nó đã trở thành thức uống quen thuộc được thưởng thức và yêu thích bởi tất cả tầng lớp trong xã hội bất kể giới tính, tuổi tác hay nghề nghiệp.
Nguồn gốc “huyền thoại” – lịch sử của trà
Xét về khía cạnh lịch sử hay sinh học, các chuyên gia cho rằng trà có nguồn gốc từ châu Á, chủ yếu là ở Tây Nam và Bắc Trung Quốc.
Con người bắt đầu sử dụng trà chính xác từ bao giờ thì không ai biết, tuy nhiên được ước chừng khoảng hơn 4000 năm trước (ước tính dưới triều nhà Thương (1600 TCN – 1046 TCN).
Về sự tích cây trà, có vài câu chuyện huyền thoại của người Trung Hoa. Đó là một huyền thoại mang sắc thái người Hoa Bắc và một huyền thoại mang sắc thái người Hoa Nam.
Người Hoa Bắc cho rằng người đầu tiên phát hiện ra trà chính là Thần Nông (2737- 2697 TCN). Truyền thuyết này được giới thiệu trong cuốn Trà Kinh của Lục Vũ (vào năm 780 sau Công nguyên).

Vua Thần Nông là vị Hoàng Đế huyền thoại rất giỏi về nông nghiệp và y dược. Ngài nếm nhiều loại cây cỏ để tìm dược tính trị bệnh cho dân.
Năm 2737 TCN, một ngày dài khi lang thang trong rừng để tìm các loại hạt và thảo dược ăn được, Thần Nông mệt lử đã vô tình trúng độc 72 lần.
Trước khi chất độc giết chết ông, một chiếc lá đã rơi vào miệng ông. Ông nhai nó và thật kỳ lạ lá cây ấy có thể giúp ông thanh lọc những chất độc đã thử trước đó. Chiếc lá ấy chính là lá trà.
Lại có truyền thuyết nói rằng, một hôm Thần Nông đang đun nước dưới một gốc cây, thì có vài chiếc lá trà rơi vào ấm nước sôi của ông. Sau khi uống thử vài ngụm trà ấy, ông phát hiện nó có mùi vị thơm ngon, uống vào hết khát và mình có một năng lực kỳ diệu, và ngay lập tức ông đã xếp trà vào danh sách các loại thảo dược của mình.
Còn người Hoa Nam lại cho rằng chính Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma), Sơ tổ Thiền Trung Hoa, là người mang cây trà từ Ấn Độ vào Trung Hoa (519 sau Công Nguyên).

Nhờ cây trà mà Ngài thức suốt 9 năm để ngồi nhìn vách đá quán tưởng công án. Cũng có huyền thoại nói rằng: trong lúc tọa thiền, Bồ Đề Đạt Ma đã ngủ quên nên sau khi thức dậy, ông tức giận tự cắt mí mắt của mình quăng xuống đất và nơi ấy mọc lên một thứ cây kỳ lạ, hái lá nấu nước uống khiến cho tâm hồn tỉnh táo, được gọi là trà.
Từ đó trà trở nên thức uống thông dụng của thiền môn.
Từ khi được phát hiện cho tới thời nhà Đường, trà vẫn được coi như một vị thuốc chữa bệnh, vẫn chỉ mọc hoang trong rừng núi, chưa được trồng và chế biến.
Xuyên suốt các triều đại nhà Tây Chu (1122 TCN – 249 TCN), nhà Tần (221 TCN – 206 TCN), nhà Hán (202 TCN – 220), trà được coi là một biểu tượng tôn giáo truyền thông chỉ được dùng cho tầng lớp hoàng gia, quý tộc chứ không được phổ biến trong nhân dân.

Sự phát triển nhanh chóng của trà ở Châu Á
Phải đến thời nhà Đường (618-907) văn hóa trà cùng với thi ca và các loại văn hoá khác đã phát triển đạt tới đỉnh cao rực rỡ.
Trà không chỉ là thức uống, một loại thuốc chữa bệnh mà còn được nâng lên thành nghệ thuật được coi là một trong những sinh hoạt “quốc hồn, quốc túy” của người Trung Hoa thời bấy giờ.
Vào khoảng thế kỷ thứ VIII, Lục Vũ viết Trà Kinh (Chajing) năm 780, là tác phẩm viết về trà đầu tiên trên thế giới, nhằm ca ngợi và hướng dẫn cách dùng trà. Trong đó, có những luận bàn phát minh về trà lễ có thể coi là chuẩn mực thưởng trà đầu tiên của loài người.
Cùng thời đó, các nhà sư thuộc phái Thiền tông Nhật Bản sang Trung Quốc tu đạo đã mang trà về quê hương của họ.
Trà bắt đầu được phổ biến trong giới hoàng tộc Nhật Bản từ khi Thiên Hoàng Tha Nga (Saga tennō; 786–842) khuyến khích trồng trà. Dần dần, trà phát triển mạnh mẽ, đi sâu vào văn hóa ở xứ sở hoa anh đào, tới mức hình thành nên nghệ thuật trà đạo vang danh thế giới.

“Tương tự như Nhật Bản, trà vào Hàn Quốc cũng bằng con đường các tăng sĩ qua Trung Hoa học đạo, có lẽ cũng vào thế kỷ thứ 6 hay thứ 7.
Suốt triều đại Goryeo của Hàn Quốc (vào thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 13) trà là chủ đề cho thi ca. Trà được dùng dâng cúng tổ tiên và Phật.”
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của chiến tranh, do bị đánh thuế quá cao nền văn hóa trà của Hàn Quốc suy yếu dần. Và mới chỉ được khôi phục lại nhiều thập kỷ gần đây.
Ở một nhánh khác, trà cũng được triều đình Trung Hoa cho phép buôn bán trao đổi bằng chiến mã với người dân ở Tây Tạng. Từ thời nhà Tống (960 – 1279), trà được vận chuyển sang Tây Tạng thông qua qua con đường “Trà – Mã cổ đạo” dài hơn 4.000km.
Sử cũ ước tính rằng trung bình có hơn 15 triệu kg trà từ Vân Nam (Trung Quốc) được đổi lấy 20.000 chiến mã mỗi năm.

…sự lan tỏa “quyền lực” ở Châu Âu
Thế kỷ XVI đánh dấu bước ngoặt trên con đường vươn ra thế giới của trà khi một nhà truyền giáo Bồ Đào Nha đã giới thiệu nó đến Châu Âu với số lượng lớn. Và nó nhanh chóng chứng tỏ “quyền lực” của mình ở nơi đây.
Người có công lớn giúp trà trở nên phổ biến với giới thượng lưu Anh thuộc về nữ hoàng Catherine xứ Braganza, một nữ quý tộc Bồ Đào Nha, khi bà cưới vua Charles đệ nhị vào 1661. Cùng với sự phát triển của đế quốc Anh, nhu cầu trà lan rộng ra khắp thế giới.

Tới năm 1700, trà ở châu Âu được bán đắt gấp mười lần cà phê và trở thành một ngành buôn bán siêu lợi nhuận.
Các thương lái Châu Âu ra sức mang các loại thuyền buồm, thuyền tốc độ cao nhanh nhất để đua nhau đưa chè về châu Âu nhanh nhất nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Lúc ấy, trà vẫn chỉ được trồng ở Trung Quốc.
Để phá vỡ sự độc quyền của này, một chiến dịch bí mật đã diễn ra để đánh cắp những cây chè mang tới các nước khác trồng. Từ đó, giống cây này được lan rộng hơn nữa, giúp trà trở thành một loại mặt hàng thường nhật.
… và trở thành thức uống được ưa chuộng trên khắp thế giới
Ngày nay, trà là đồ uống được tiêu thụ nhiều thứ hai thế giới chỉ sau nước lọc. Sản lượng tiêu thụ trà mỗi năm bằng tổng tiêu thụ của cà phê, chocolate, nước ngọt và rượu cộng lại với nhau.
Xuyên suốt quá trình phát triển của mình, trà đã đi dần vào nền văn hóa của các nước: văn hóa trà đạo Nhật Bản, trà đạo Trung Quốc… cho đến văn hóa trà chiều của người Anh. Cùng với đó, trà nghiễm nhiên đi vào văn học như một nguồn cảm hứng, là một chủ đề được ưa chuộng.
Cho đến bây giờ, trà không chỉ là đồ uống, đó còn là văn hoá, lịch sử của mỗi quốc gia.
————————————-
Tài liệu tham khảo:
- Đức Chính. Trà Thư, https://khanhhoathuynga.wordpress.com/2009/08/04/tra-th%C6%B0-ph%E1%BA%A7n-1-tra-huy%E1%BB%81n-tho%E1%BA%A1i-va-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD/
- Planchip Tra. Dấu ấn trà Việt trong lịch sử cổ, https://plantrip-cha.com/dau-an-tra-viet-trong-lich-su-co
- Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về nguồn gốc của trà, https://kenh14.vn/kham-pha/nguoc-dong-lich-su-tim-hieu-ve-nguon-goc-cua-tra-p114r2014090612487313.chn
- Shunan Teng. Lịch sử của trà, https://www.ted.com/talks/shunan_teng_the_history_of_tea/transcript?language=vi#t-277937
——————–
Bạn quan tâm đến ẩm thực và muốn phát triển kỹ thuật viết lách trong lĩnh vực này?
Tham gia cộng đồng những cây viết về ẩm thực. Nơi cùng nhau học tập, chia sẻ, thảo luận, tìm kiếm các cơ hội liên quan tới viết lách, viết về ẩm thực tại: Yêu viết lách, mê ẩm thực.
Hãy đăng ký MIỄN PHÍ ngay ebook: “Hướng dẫn chi tiết cách viết nội dung ẩm thực” – tài liệu “cầm tay chỉ việc” để có thể trở thành cây viết ẩm thực và tự sáng tạo nội dung cho thương hiệu của mình TẠI ĐÂY.
1 Comment
good