Có lẽ thật khó khăn khi một cây viết chuyên nghiệp nói rằng mình chán viết. Nhưng phải thú thực với bạn rằng mình vừa trải qua một tuần như vậy. Ngoài việc phải hoàn thành công việc của khách, mình cảm thấy khá mệt mỏi khi phải suy nghĩ viết gì trên facebook, fanpage, group, blog. Mình cảm thấy chán, đúng vậy. Mình thậm chí còn không muốn ngồi quá nhiều trên máy tính.
Sau khi dành thời gian tìm hiểu về vấn đề của bản thân, mình nhận thấy rất nhiều cây viết cũng trải qua tình huống chán viết. Và đây là 5 lý do chính của việc đó cũng như cách mình xử lý tình trạng này hiệu quả.
Cơ thể đang mệt mỏi

Nó cũng giống như việc bạn chán ăn vậy. Cảm giác chán viết sẽ đến khi bạn làm việc quá sức, thiếu vận động, thiếu ngủ, căng thẳng cảm xúc.
Đó chính xác là những điều mình đã trải qua trong những ngày vừa rồi. Một ngày mình làm việc tới hơn 12h để đảm bảo các công việc của khách hàng, dạy học viên, viết 1 bài blog/ngày (mà trung bình đều gần 2000 từ), học về dinh dưỡng, trao đổi với các bạn làm dịch vụ setup blog từ A – Z, hoạt động trong group Xây dựng sự nghiệp từ viết lách.
Đó là còn chưa kể, mình còn chăm sóc con nhỏ và làm công việc gia đình. Thời gian vừa rồi, bé nhà mình bị ngã đau nên rất quấy, bám mẹ. Đêm bé khó ngủ, cứ phải ti và bế thì mới ngủ tiếp được. Một ngày như vậy, mình chỉ có thể ngủ khoảng 4 tiếng không liên tục. Nó khiến cơ thể thiếu ngủ, suy nhược. May là mình có kiến thức về dinh dưỡng nên mới có thể đảm bảo được năng lượng để hoàn thành công việc của khách hàng và chăm con.
=> Giải pháp của mình: Trong tình hình như hiện tại, mình sẽ không cố nữa. Mình cho bản thân cơ hội được dừng lại, nghỉ ngơi thư giãn, chỉ đảm bảo làm sao hoàn thành công việc của khách hàng, học viên.
Cho dù đang tham gia thử thách 90 ngày viết blog mỗi ngày nhưng mình vẫn quyết định dừng. Không sao cả, mình cần ưu tiên bản thân, mình lắng nghe những tín hiệu bản thân để biết rằng mình cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Bởi vì nếu mình cứ cố làm tất cả những điều cũ thì có lẽ đến một lúc nào đó, mình sẽ không thể chịu được nữa và “sập nguồn”. Điều ấy còn kinh khủng hơn vì mình còn có con nhỏ và gia đình cần chăm sóc.
Nếu bạn cũng gặp tình trạng chán viết do lý do này, thì hãy cho bản thân được nghỉ ngơi, được thư giãn, nạp năng lượng. Đừng “cố quá thành quá cố”. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn đấy. |
Trí não bị “rỗng”

Tình trạng chán viết cũng xảy ra khi bạn: không có gì để viết. Nó khiến bạn ngồi vào bàn làm việc mà tâm trí như bị rỗng, chỉ còn một khoảng trống và bạn không thể viết một từ nào. Nó giống như một tài khoản ngân hàng. Bạn không thể rút tiền khi trong tài khoản không có gì!
Và mình cũng đang gặp tình trạng đó. Do dành thời gian quá nhiều cho công việc, cũng như phải chăm sóc con nhỏ mà mình không đủ thời gian để nạp thêm kiến thức, trải nghiệm. Cộng với việc ngày nào cũng viết tới gần 2000 từ trên blog. Chỉ viết trong độ khoảng hơn 40 bài là mình đã bị cạn kiệt nội dung. Vậy là “tài khoản ngân hàng chữ” của mình bị rút quá nhanh. Trong khi mình không nạp kịp với tốc độ ấy.
=> Giải pháp của mình: Mình quyết định từ chốt công việc mới, chuyển giao một số công việc cho người khác. Dành thời gian nghỉ ngơi để đọc sách, xem youtube, tập thể dục, nói chuyện với bạn bè và nấu ăn. Trong 1 tuần mình đã dành thời gian nhiều hơn để tham gia CLB đọc sách, cùng thảo luận và lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm từ mọi người, đọc xong được 1 cuốn sách, nấu được thêm những món ngon và nói chuyện với 1 vài người bạn cũ. Nhờ vậy mình nạp thêm được nhiều kiến thức, trải nghiệm thú vị và vượt qua cảm giác chán viết để xuất bản bài viết trở lại rồi.
Trong những giai đoạn, chúng ta không thể ôm đồm quá nhiều. Việc cân bằng giữa công việc và phát triển bản thân là cực kỳ cần thiết. Nếu bạn cũng gặp tình trạng này, thì hãy bớt một số việc không thực sự quan trọng để dành thời gian nạp kiến thức và trải nghiệm nhiều hơn nhé! |
Viết quá nhiều cho người khác

Điều này sẽ khiến bạn chỉ tập trung vào những KPI, deadline, yêu cầu của khách hàng mà quên đi mất cảm xúc của chính mình. Trong khi đối với một cây viết, cảm xúc là yếu tố cực kỳ quan trong giúp bạn tạo nên những bài viết thu hút và sáng tạo. Vậy nên xảy ra tình trạng chán viết cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, việc viết cho chính mình còn giúp bạn cải thiện tư duy trở nên rõ ràng, mạch lạc, cải thiện văn phong, cá tính và nuôi dưỡng sự sáng tạo.
Nếu bạn đọc bài viết Hiểu về bản thân nhờ Thần số học thì bạn cũng biết mình là một người số 8. Các chỉ số về cảm xúc của mình rất thấp. Sau khi sinh con, việc quá bận với con cái, gia đình đã khiến mình không có nhiều thời gian cho bản thân. Mình rất ít bày tỏ cảm xúc ra bên ngoài. Và vì vậy, các bài viết cho chính mình cũng ít dần đi. Thi thoảng mình mới viết nhật ký, hoặc tâm sự với ai đó để giải đáp khúc mắc trong lòng. Thậm chí là tự giấu nó đi. Nhưng điều ấy không tốt chút nào.
=> Giải pháp của mình: Mình cũng đang học cách để bày tỏ và chia sẻ cảm xúc nhiều hơn. Và chắc chắn dành nhiều thời gian hơn để viết cho chính mình. Nhưng điều gì cũng cần thời gian. Và mình đang thực hiện nó từng chút, từng chút một.
Bạn có thể tham gia group: Xây dựng sự nghiệp từ viết lách để xem gợi ý về các chủ đề viết cho chính mình và chia sẻ với những cây viết khác trong group. Hoặc tham khảo bài viết này để có thêm ý tưởng khi chán viết nhé! |
Chủ đề viết không phù hợp

Nếu cứ làm mãi một việc không thích chắc chắn bạn sẽ cảm thấy khó chịu, ức chế đúng không? Viết cũng vậy. Nếu cứ viết mãi về những chủ đề bạn khó chịu nó biến việc viết trở nên thật khó khăn, mệt mỏi và căng thẳng. Nó khiến bạn chán viết, mất đi động lực viết. Lâu dần nó sẽ giết chết sự sáng tạo, niềm thích thú với viết lách của bạn.
Mình thì không rơi vào tình huống này nhưng một số bạn học viên của mình đã chia sẻ như vậy. Đó là lý do vì sao trong khóa học viết của mình luôn dành ra ít nhất 1 bài học để tập trung vào vấn đề lựa chọn chủ đề viết.
=> Giải pháp của mình: Hãy dành thời gian tìm hiểu về bản thân. Bạn có thể thử một nghiên cứu chi tiết về thần số học như mình để biết mình mạnh ở đâu, cần tập trung vào điều gì. Sau đó nghĩ về những chủ đề bạn yêu thích, chọn lấy ít nhất 2 chủ đề tiềm năng để theo đuổi.
Đừng vội bỏ đi công việc dù bạn không thích ở thời điểm hiện tại. Bạn chỉ nên từ bỏ khi tìm được công việc thay thế khác phù hợp hơn. Thay vào đó, bạn hãy chia nó thành những nhiệm vụ nhỏ và đặt ra những món quà (những điều bạn yêu thích) khi hoàn thành xong nhiệm vụ. |
Chẳng hạn, nếu bạn phải viết 10 bài thì hãy chia mục tiêu thành từng bài 1. Mỗi khi viết xong 1 bài, hãy cho bản thân được xem 1 tập phim chẳng hạn. Nó sẽ biến việc viết trở nên thú vị hơn.
Vừa trải qua một điều tồi tệ

Cuộc sống không chỉ có những áng mây màu hồng mà nó còn có rất nhiều đám mây màu xám, xám đen, đôi khi còn kèm theo cả sấm sét. Vậy nên, không tránh khỏi những lúc bạn gặp phải những điều tồi tệ. Đó có thể là sự ra đi của người thân, một người bạn yêu thương bị mắc bệnh hiểm nghèo. Đó có thể là tranh cãi với chồng/vợ, bị hiểu nhầm, bị nói xấu. Đó có thể là bị mất việc, bị sếp trách móc… Nói chung, cuộc sống mà, bạn chắc chắn sẽ gặp phải những việc đó.
Và mình cũng không ngoại lệ. Thời gian vừa rồi chuyện cậu mình bị ung thư, chuyện bác đi viện, ông bị ốm, khiến không khí gia đình mình trở nên rất nặng nề. Áp lực về công việc, gia đình, quan điểm sống cũng khiến vợ chồng mình tranh cãi nhiều hơn. Nó khiến cho không khí gia đình trở nên căng thẳng, nặng nề. Những lúc ấy, mình thú thật, mình không thể viết nổi.
=> Giải pháp của mình: Mình thường dành thời gian để ngồi tĩnh lặng, nghe một bản nhạc hoặc nghe câu chuyện “hiểu về trái tim” để cân bằng cảm xúc và xoa dịu tâm hồn. Sau đó, tự động viên bản thân và nhìn về những mục tiêu tương lai tiếp tục viết. Bản thân mình là một người khá lý trí, vậy nên, có những hôm, vừa khóc sau khi cãi nhau với chồng, mình vừa viết để làm sao đảm bảo kịp deadline.
Khi tâm trạng trở nên tồi tệ, đừng cố ép bản thân phải viết. Hãy dành thời gian để giải tỏa, cân bằng cảm xúc trước rồi mới bắt tay vào viết bạn nhé! |
Tất cả những vấn đề xảy ra đều có lý do của nó. Nếu bạn cảm thấy chán viết, đừng hoảng sợ, hãy xem vấn đề của điều này xảy ra ở đâu và tìm cách khắc phục nó. Trên thực tế, hầu hết những cây viết chuyên nghiệp, những nhà văn đều trải qua tình trạng này. Đây không phải một điều xấu mà ngược lại nó đôi khi còn là một điều tốt (mình sẽ phân tích kỹ hơn trong bài sau). Việc của bạn bây giờ là tìm ra lý do mình chán viết và giải quyết chúng.
Nếu cần sự giúp đỡ, hãy nhắn comment dưới bài viết hoặc nhắn mình tại đây nhé!
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của Trà. Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.