Tuổi thơ ai cũng có những trải nghiệm không thể quên. Và đối với tôi, đó là những kỷ niệm gắn liền với những trận đòn của mẹ.
Tôi còn nhớ như in những vết hằn trên mông, những vết tím bầm nơi bọng chân và nặng nhất là có lần tôi đã bị gãy tay. Đó như là một vết thương tình cảm gia đình trong suốt tuổi thơ. Sau những trận đánh ấy, tôi dần dần thu mình lại, tôi ít nói chuyện với ba mẹ và tất nhiên cũng chẳng mấy khi tâm sự điều gì.
Cho đến bây giờ, khi đã “bôn ba” khắp chốn bể dâu, gặp đủ kiểu người, trở về nhà, nhìn đôi bàn tay gầy guộc ấy vẫn đang quần quật làm việc, nghe những lời quan tâm đầy tình cảm, tôi bỗng hiểu ra: “À, hóa ra ngày xưa bố mẹ nóng giận là vì thế”.
Tôi không nhớ lần đầu tiên bị đánh là khi nào. Năm một tuổi, năm tuổi hay bảy tuổi? Tôi chỉ nhớ, từ khi còn rất bé, rất bé tôi đã quen với những trận đòn roi của mẹ.
Ngày ấy, chương trình tivi chiếu phim Tây Du Ký. Tôi mê lắm. Cứ 6h là bằng giá nào tôi cũng làm cho xong việc để xem phim. Hôm đó, tôi nấu cơm muộn nên vừa chạy lên nhà xem phim vừa chạy xuống bếp. Nhưng vì mải xem có khi bếp củi đã tắt ngấm tôi mới xuống. Thế là cơm sống. Mẹ đi làm đồng về ăn miếng cơm đầu tiên thì tức điên lên, lôi tôi ra đánh một trận tơi bời. Tôi nhớ không nhầm là phải chịu hai ba chục roi gì đó. Tôi nằm trên hè khóc, đau và giận mẹ lắm. Tôi nhịn ăn, đến 2 hôm sau cũng không nói chuyện với mẹ.
Hôm nào có bài kiểm tra là tôi sợ lắm. Bởi vì chỉ cần tôi bị dưới bảy điểm thôi là thể nào cũng bị mẹ đánh cho nhừ tử. Tôi có tiếng là học giỏi nhưng cũng vài khi bị điểm năm, điểm sáu. Cầm bài kiểm tra trên tay về nhà là tôi giấu ngay vào một góc. Nhưng một lần mẹ tôi nhìn thấy. Mẹ giận tím mặt và tôi lại bị “đỉa bâu” khắp người – cách gọi mà bọn trẻ nhà quê thường trêu nhau khi bị đánh.

Lần tôi bị đánh nặng nhất đó là lúc bị gãy tay trái. Khi ấy, tôi mải sang nhà bác chơi mà không nghe tiếng mẹ gọi. Thế là mẹ hầm hầm cầm roi sang đánh tôi. Mẹ đánh được mấy cái thì tôi tìm đường chạy. Tôi trèo qua chiếc ghế dài, chẳng may nó bị lật khiến tôi ngã khụy xuống và thế là gãy tay. Tôi lại càng giận, càng ghét mẹ hơn.
Và còn rất nhiều, rất nhiều những trận mắng, trận đánh khác mà tôi không thể nào kể hết.
Tôi tự hỏi, không biết liệu mình có phải con ruột của mẹ hay không mà mẹ lại đối xử với tôi như vậy? Lúc nào cũng so sánh với con nhà khác, lúc nào cũng bắt học gắt gao, bắt làm chẳng cho chơi. Hở ra một tí là đánh, làm sai là roi, điểm kém là vọt, không vừa ý là chửi bới… Nói thật tôi không tìm được mấy niềm vui bên mẹ trong suốt những ngày tuổi thơ đó. Đã có rất nhiều lần tôi nghĩ đến việc tự tử sau những trận đòn nhưng thật may, tôi không dám.
Mẹ càng đánh, tôi càng giận và tránh xa mẹ. Dù vẫn rất nghe lời nhưng tôi không bao giờ chia sẻ cảm xúc gì với mẹ. Từ ấy, tôi rèn cho mình thói quen độc lập và tự mình giải quyết các vấn đề, không phải nhờ mẹ nhiều.
Vì vậy, đến khi học đại học, được “thoát” khỏi gia đình. Cho dù trường chỉ cách 30km nhưng cả tháng tôi mới về nhà được một hay hai ngày. Và cũng hiếm khi, tôi nói chuyện nhiều với mẹ. Đôi khi thấy mẹ họ, mẹ đau đầu. Tôi biết, tôi thương nhưng vết thương ngày xưa lại khiến tôi ngừng lại sự thể hiện. Và tôi chỉ bảo mẹ uống thuốc và ăn uống nhiều hơn.
Sau này khi đã đi dọc từ Thái Nguyên, Hà Nội, Sài Gòn, tự đi xin việc rồi đi làm trong một thành phố xa lạ, có những trải nghiệm được nhiều người đánh giá tốt. Có người khen tôi rằng: rất tự lập. Tôi chỉ cười. Lúc ấy, bất chợt tôi lại nhớ về mẹ. Sự nghiêm khắc của ba mẹ đã giúp tôi trưởng thành lên rất nhiều. Nhưng ngay lập tức, những cảm xúc từ trận đánh cũ kỹ dầy nóng giận của mẹ lại dấy lên khiến tôi dập tan những suy nghĩ ấy.

Tôi bắt đầu học quan sát nhiều hơn. Tôi thấy rằng khi ở công ty, tôi sẵn sàng chấp nhận những cơn nóng giận của người khác, chấp nhận bị đánh giá kém khi làm chưa tốt, chỉ vì tôi hiểu rằng họ làm như vậy sẽ giúp mình hoàn thiện hơn. Dần dần, tôi càng thích làm việc với những người sếp khó tính, họ có nóng giận, có mắng, có khuyên bảo nhưng tôi đều vui vẻ với nó. Nó giúp tôi nhận ra những điều gì mình cần phải khắc phục, cần phải nỗ lực rèn luyện hoàn thiện hơn nữa.
Thế rồi, hôm vừa rồi tôi có post facebook bị đau dạ dày. Vừa đăng xong đã thấy mẹ gọi điện nhắc đi bệnh viện khám, không thì mua thuốc hay mẹ mua thuốc gửi lên, nhắc tôi làm việc vừa phải, chú ý ăn ít cay và đứng giờ. Khi mẹ tắt điện thoại bỗng nhiên những giọt nước mắt cứ lăn dài trên má. Tôi bỗng hiểu ra tất cả.
Tại sao tôi có thể chịu sự quát mắng, nóng giận của của người khác, chấp nhận nó và sửa đổi mà tôi lại không thể làm thế với mẹ? Tại sao mẹ luôn yêu thương và quan tâm mình vô điều kiện thì tôi lại giữ khoảng cách, lại có nhiều phần thờ ơ.
Tôi nghĩ lại chuyện ngày xưa.
Tôi thử hỏi: nếu mình đi làm cả ngày mệt ăn một bát cơm sống thì sẽ cảm thấy như thế nào? Nếu tôi tập trung và làm cẩn thận hơn thì có phải tôi đã không bị điểm thấp? Nếu tôi…
Tôi nhớ ngày bé tôi học giỏi. Vì vậy, mẹ rất tự hào, thường khoe tôi với mọi người. Vậy nên, chắc hẳn mẹ rất kỳ vọng về tôi. Hóa ra, thật dễ hiểu khi mẹ nóng giận những lúc tôi bị điểm kém, những lúc tôi vụng về, không biết tập trung vào công việc.
Ngày ấy, cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, bố đi làm xa, chỉ mình mẹ tôi lo toàn bộ gia đình: bà, tôi và em tôi. Áp lực về tiền bạc, về học hành của chúng tôi khiến mẹ phải làm quần quật cả ngày từ sáng sớm đến tối khuya. Những vấn đề phát sinh, mệt mỏi dồn nén trong công việc, cuộc sống trong hôn nhân, “mẹ chồng, nàng dâu” âm ỉ cháy trong mẹ khiến mẹ trở nên dễ cáu gắt, nóng giận. Và lúc ấy, những sai sót của tôi, khiến sự nóng giận ở mẹ như dòng nham thạch phun trào, đốt cháy mọi thứ ở xung quanh, việc mẹ đánh tôi cũng chỉ vì không thể kiểm soát được nó.
Đã có lúc tôi thấy mẹ khóc trong phòng một mình sau khi đánh nhưng lúc ấy tôi không có mảy may suy nghĩ nhiều. Lúc tôi gãy tay, sáng mẹ nghỉ chợ đưa tôi đi học, mua đồ ăn ngon cho tôi. Tôi nhớ lúc gội đầu mẹ đã rơm rớm nước mắt lúc tôi kêu đau khi vô tình đập tay vào chậu nước.
Bây giờ, nhìn lại tôi mới thấy, hóa ra, mẹ cũng chịu không ít dằn vặt và ân hận sau những trận đánh đòn. Hóa ra, sau những trận đòn ấy không chỉ tôi bị tổn thương mà mẹ cũng tổn thương không kém.
Sự nóng giận của mẹ với tôi xuất phát từ sự yêu thương, mong muốn con cái hoàn thiện và phát triển. Bởi vì tuổi thơ của mẹ có cuộc sống rất khổ cực và mẹ nghĩ rằng chỉ có học giỏi mới thoát khỏi cảnh nghèo nàn này. Mẹ đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào bản thân tôi.
Nhưng tôi ước giá mà mẹ có thể ngồi lại nói chuyện với tôi sau những trận đòn đó, giá mà mẹ có thể xả những kìm nén của mình để không bị bùng phát khi tôi làm sai. Giá mà mẹ có thể chia sẻ lý do của những mong muốn, kỳ vọng về tôi nhiều hơn, để tôi hiểu và cố gắng.
Sự nóng giận xuất phát từ sự kỳ vọng, tình yêu thương không đáng trách. Nhưng nếu không có thì vẫn thật tốt hơn bao nhiêu đúng không ạ?
“Sống không giận, không hờn, không oán trách”
Tôi còn nhớ khi đọc được ở đâu đó rằng tác giả của câu nói trên đã xin rút lại nó bởi vì ngay cả những người theo hướng thiền đạo rất giỏi cũng khó để làm theo. Con người sống trong cuộc sống, trong các mối quan hệ và ngay cả chính trong bản thân luôn có rất nhiều mâu thuẫn, kỳ vọng, thất vọng, bất lực… thật khó để nói rằng “không giận, không hờn”.
Tôi thấy rằng, cơn giận là những cảm xúc rất bình thường của con người. Và nguyên nhân sâu sa của nó đều bắt nguồn từ một chữ “Tình”. Người ta nóng giận, cáu gắt với nhau cũng bởi một chữ Tình – tình yêu, tình thương, tình bạn,…
Bạn biết không, những “tổn thương” ngày bé cũng âm ỉ, âm ỉ cháy trong tôi, những cảm xúc nóng giận dồn nén cũng khiến tôi trở nên dễ nổi nóng. Nhưng chính những “tổn thương” lúc bé đó khiến tôi nhận thấy rằng sự nóng giận của mình sẽ đưa người đối diện đi đến cảm xúc tiêu cực, sẽ khiến người khác cảm thấy tổn thương như thế nào. Nhất là đối với con tôi sau này. Chính vì vậy, tôi không muốn tiếp tục đi vào vết xe đổ đó.

Tôi đọc sách nhiều hơn, thực hành thiền hơi thở, học cách thả lỏng chính mình, mở lòng khoan dung và mở lòng yêu thương không điều kiện với tất cả. Tôi rất bất ngờ khi giờ đây có khi một đến hai tháng tôi mới nóng giận một lần. Mà chỉ trong một thời gian rất ngắn, khi tôi nhận thức được nó, tôi lại bắt đầu phân tích:
Tại sao tôi tức giận? Vì người ta mắng mình.
Tại sao người ta lại mắng mình? Vì mình làm chưa tốt.
Vì sao mình làm chưa tốt? Vì mình thiếu sót ở điểm này, điểm này…
Và từ đấy tôi lại coi đó là một cơ hội tốt để hoàn thiện hơn bản thân
Có những lúc tôi không thể tìm được câu trả lời thỏa đáng hay cảm thấy sự nóng giận không có dấu hiệu thuyên giảm thì cách đơn giản là tôi sẽ đi dọn nhà. Tôi quét dọn, sắp xếp lại từng ngóc ngách trong căn nhà và cũng chính là ở trong bản thân mình. Thật bất ngờ khi ngôi nhà trở nên sạch sẽ, gọn gàng cũng là lúc cơn giận của tôi tan biến.
Chỉ đơn giản vậy thôi!
Hàng ngày, chúng ta nhìn thấy không biết bao nhiêu cảnh giận hờn, chia tay, bao nhiêu bài báo nói về việc không kiềm chế cơn giận dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Chung quy lại, tôi nghĩ rằng chúng ta đều là những người chịu nhiều tổn thương, áp lực và kỳ vọng. Chúng ta đã quá tập trung ở bên ngoài mà quên mất nuôi dưỡng mình ở bên trong. Và chung quy lại cũng bởi vì người ta chưa hiểu được chữ “Tình”.
Cho đến khi viết những dòng này tôi lại thầm cám ơn ba mẹ về những trận đòn ngày nhỏ đã giúp tôi được trải nghiệm sâu sắc sự nóng giận cũng như để tôi tìm được cách bước qua được sự nóng giận ấy. Để mai đây, tôi có thể giáo dục con tôi được tốt hơn.
Cuộc sống vẫn luôn đầy ắp những việc không như ý, chúng ta chẳng thể nào né tránh. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể làm là thay đổi góc nhìn về nó. Hạnh phúc không tùy thuộc vào việc bạn là ai, bạn làm gì mà tùy thuộc vào bạn nghĩ gì. Vậy nên, những tổn thương bạn gặp trong quá khứ, hãy để chúng ngủ yêu hoặc nhìn nó với một khía cạnh tích cực hơn. Dành nhiều thời gian hơn để bản thân được thư giãn, được ôm ấp, yêu thương. Để rồi hướng bản thân đến những điều vui vẻ, hạnh phúc và trở thành người mang niềm vui đến cho người khác.

Hãy nhớ, nóng giận và hạnh phúc đều có thể xuất phát từ niềm yêu thương nhưng cách bạn đối mặt với nó sẽ quyết định cuộc sống của bạn như thế nào!