Tôi đang đứng trong một quán cà phê cũ ám mùi khói. Quán nhập nhoạng ánh đèn vàng, chiếc ghế sắt tróc sơn nhìn có vẻ yếu ớt. Phía góc trên bàn pha chế ngập tràn chai, lọ đựng các loại siro, nước ngọt, nguyên liệu lộn xộn. Mặt bàn nâu nhạt cũng đã tróc sơn lốm chốm. Đến cả bức tường màu xám tro cũng có vài chỗ bắt đầu tróc nốt.

Chẳng có gì hoàn hảo, chẳng có gì gọn gàng, trau chuốt vậy mà ở đây vẫn đông khách đến lạ. Một giờ chiều khách tới tấp nập.

Trong quán tối om, ánh đèn vàng le lói quyện với khói thuốc tạo nên một làn không khí màu vàng, quẩn quanh xâm chiếm từng ngóc ngách của quán rồi mất hút ở góc nào đó, đôi khi còn vương vấn trên tay mấy anh xăm trổ đầy mình mãi mới buông.

Đứng ở đây, tôi có cảm giác thật lạ như là tiếp xúc với một thế giới mới – thế giới của những người nội tâm và có gì đó rất đặc biệt.

quan ca phe 2

Tôi chọn một chỗ ngồi ở góc quán và gọi một ly chanh leo ít đường – thức uống có vẻ chả liên quan gì so với không gian.

Trong lúc chờ đợi, với ánh mắt lạ lẫm tôi quan sát, để ý từng chút một. Nước được làm rất nhanh chỉ chưa đầy năm phút. Vị chanh leo chua chua, thơm thơm, ngọt ngọt, khá ngon, nhưng thực sự lúc đó tôi không để ý lắm vì đang mải quan sát các nét vẽ đầy ma mị trên những bức tường, quan sát những vị khách của quán.

Bên quầy pha chế, trên những chiếc ghế sắt tróc sơn – cứ mỗi khi có người động đậy là lại kêu kẽo kẹt làm người ta tưởng chừng như muốn ngã – là những anh chàng với đủ loại kiểu tóc.

Người đầu đinh, người tóc dài buộc chỏm, người làm xoăn, nhuộm line, người tóc kiểu freestyle (tôi đoán vậy) vì nó mọc lởm chởm cứ như người ta để cho nó mọc tự nhiên vậy. Người sơ mi nghiêm túc, đeo thẻ nhân viên chỉnh tề, người áo thun, quần jean rách đi đôi giày boot bằng da…

Họ thoải mái nói chuyện với nhau, chân gác lên ghế, tay phì phèo điếu thuốc và không quên kèm theo mấy câu chửi thề cùng những tràng cười phớ lớ…

Phía giữa quán là bộ sô pha màu xám, tối giản hết sức trên những chiếc chân sắt đơn độc, gầy guộc. Được đặt cạnh chiếc bàn sắt – các bạn biết đấy cũng hết sức tối giản, tựa như người ta lấy mấy cây sắt ghép lại và đặt lên đó một tấm ván màu trắng.

Trên mặt bàn bày la liệt các thứ đồ: nào là mũ bảo hiểm, nào là găng tay, mấy ly cà phê sữa đá, nào là sách, báo, điện thoại, nước lọc…

Xung quanh là mấy anh chàng đang trò chuyện với nhau về một chiếc xe nào đó. Câu chuyện có vẻ rất thu hút vì tôi thấy họ cứ chỉ vào hình chiếc xe trên điện thoại và nói chuyện chẳng ngớt.

Tôi hỏi cậu bạn đưa tôi đến đây: “Mọi người ở đây chắc toàn người trẻ, toàn sinh viên em nhỉ?”.

Cậu cười nói: “Chị nhầm rồi. Ở đây ý 7x, 8x, 9x, 20x… có cả chị ạ. Sinh viên cũng có, bác sĩ cũng có này, cả giáo viên, dân sale, nói chung đủ lứa tuổi và ngành nghề.”

Ồ! Câu trả lời của em ngược lại hẳn với suy nghĩ của cô gái miền Bắc như tôi. Rằng họ là các bạn sinh viên vì là sinh viên họ mới có nhiều thời gian trò chuyện như thế này chứ? Là sinh viên mới có niềm đam mê với xe cộ như vậy chứ? Là sinh viên mới dám “ngông”, mới dám thể hiện cá tính mạnh mẽ như vậy chứ? Ấy vậy mà lại không phải.

Đúng là Sài Gòn luôn cho con người ta có thể thoải mái thể hiện cá tính, đam mê mà không cần phải câu nệ điều gì. Hàng xóm, bạn bè xì xầm cũng chẳng thèm để ý, chỉ chỏ rằng thằng này thế nọ, đứa kia thế kia. Chứ như ở ngoài Bắc chắc họ “bỗng dưng” trở thành đề tài bàn tán của cả làng, cả con phố đến nơi rồi.

Cậu em tôi kể, tất cả họ từ sinh viên, người đi làm, chủ quán, nhân viên – quê hương, ngành nghề khác nhau – nhưng tụ họp về đây bởi cùng niềm đam mê – niềm đam mê mãnh liệt với những chiếc xe, tốc độ và sự khám phá. Họ có thể nói hàng giờ chỉ xoay quanh những chiếc xe này, xe kia, chiếc này làm sao cho đẹp, chiếc kia thì đi như thế nào.

Ồ thú vị quá. Nghe họ, nhìn cách họ trò chuyện, tôi luôn cảm thấy có một sức hút kỳ lạ ngay cả khi chỉ là mấy câu chuyện vẩn vơ về những chiếc lốp xe của bàn bên cạnh…

Em nói: “Ở đây mọi người chơi với nhau rất cởi mở và thân thiết. Sau những giờ làm việc nghiêm túc và căng thẳng thì đây chính là chơi họ sống với chính mình. Thi thoảng vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ nào đó, mọi người sẽ cùng rủ nhau đi chơi ở một điểm nào đó như Đà Lạt, Đăk Lăk, Vũng Tàu… trên những chiếc xe ở ngoài đó.”

Tôi nhìn ra cửa theo hướng tay của cậu. Đó là chiếc xe cub, chiếc xe cào cào, xe min, xe phân khối lớn… Chẳng biết tôi gọi thế có đúng không bởi vì với một đứa gà mờ về xe, tôi chỉ có thể gọi tên đến vậy. Nhưng tôi thấy được chúng rất đẹp, cá tính và đặc biệt được chủ nhân rất chăm chút thì phải.

Cậu em tôi nói thêm: “Bọn em thường hay nói với nhau: Người yêu có thể bỏ, nhưng xe thì không” và cười lớn. “Ở đây, mọi người coi xe, chăm xe như chăm pet cưng vậy đó. Chăm chút, rau rửa kỹ lưỡng từng tý một. Chỉ cần xe bị một vết xước thôi là ai nấy đều xót lắm vậy nên khi có ai hỏi mượn họ thường ít cho không phải vì họ keo kiệt mà vì họ sợ người đó không biết giữ gìn làm xước, làm hỏng đó chị.”

Hóa ra đam mê chẳng bao giờ câu nệ tuổi tác, ngành nghề hay giới tính. Chỉ biết rằng, nếu đó là những điều họ thích thì họ sẵn sàng bắt tay vào làm. 

Cuộc sống này đã quá bộn bề và mệt mỏi. Nếu cứ mãi đắn đo xem điều này có tốt, điều kia có ai nói gì không, chắc sẽ chẳng bao giờ dám làm gì. Để rồi cứ mãi trốn trong một vỏ bọc “con nhà người ta”, sống một cuộc sống nhàm chán đến cuối đời, không biết đâu là niềm vui, đâu là hạnh phúc thực sự.

Vậy nên bạn ơi, chúng ta chỉ sống có một lần, tại sao không khiến nó thật rực rỡ?

(Bài viết được viết năm 2017 khi còn là cô gái bay bổng giữa Sài Gòn)

Thủy Trà


Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.

Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của TràMọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

5/5 - (1 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.