Đây chắc chắn là một kỹ năng cực kỳ cần thiết của một freelance writer. Bởi vì nếu không biết cách quản lý tài chính, không thể đảm bảo một nguồn tài chính cơ bản, phục vụ nhu cầu tối thiểu của bản thân, bạn sẽ nhanh chóng bỏ cuộc con đường viết lách tự do này mà đi tìm một công việc ở nhà nước hay công ty.
Cách đây 2 năm mình bắt đầu thực hành lối sống tối giản và áp dụng một số nguyên tắc quản lý tài chính như: tiết kiệm, mua bảo hiểm… Tuy nhiên, vì là một người ham vui nên nhiều khi mình cũng tiêu quá tay khá nhiều. Cho đến khi có gia đình, có con. Người ta nói hôn nhân như là một cuộc cách mạng đối với phụ nữ cũng không sai. Mình bắt đầu lên kế hoạch quản lý tài chính cẩn thận hơn. Ghi chép lại chi tiêu trong tháng, để tiết kiệm, mua thêm bảo hiểm cho bố mẹ và chồng.
Cùng với việc chuyển về quê sinh sống, chi phí sinh hoạt cả gia đình cũng giảm đi. Đó là lý do mà cho dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh và thời gian nghỉ sinh, mà mình vẫn không cảm thấy quá áp lực về tài chính. Và dưới đây là 5 nguyên tắc quản lý tài chính mình đang áp dụng cho bản thân.
5 nguyên tắc quản lý tài chính mà một freelance writer cần biết
Thiết lập mục tiêu tài chính
Tùy theo nhu cầu mà bạn cần thiết lập một số quỹ như:
- Quỹ dự phòng cho những sự cố
- Quỹ tiết kiệm để lo cho tương lai
- Quỹ nuôi dạy con cái…
Mình đã mua bảo hiểm 3 năm trước, mua cho bố mẹ năm ngoái và mua cho chồng vào đầu năm nay. Những mục này mình đưa vào quỹ tiết kiệm để lo cho tương lai. Mình có một quỹ ngân sách cố định trong tài khoản ngân hàng để dự phòng sự cố. Hiện tại, mình đang chuẩn bị mua bảo hiểm cho con để chuẩn bị trước cho quỹ nuôi dạy con cái.
Tiết kiệm thông minh
Mình đang áp dụng quy tắc 50/20/30 trong phần này. Tức là chia nhỏ thu nhập thành 3 danh mục chính như sau:
- Các yếu tố cần thiết (tiền ăn, tiền ở, đi lại, hóa đơn…): 50% thu nhập;
- Tiết kiệm: 20 % thu nhập;
- Chi tiêu cá nhân (tiền điện thoại, thực phẩm giải trí, du lịch, mua sắm,…): 30% thu nhập.
Mới đầu việc phân bổ như thế này khá khó và rất nhiều lần mình tiêu hụt vào quỹ tiết kiệm. Sau đó, mình đã đổi cách thức, thay vì tiết kiệm vào cuối tháng thì ngay khi nhận lương mình sẽ chuyển luôn vào quỹ tiết kiệm. Thế là trong tháng mình sẽ chỉ tập trung vào các chi tiêu với ngân sách hiện có thôi. Không sợ tiêu quá quy định nữa.
Đầu tư cẩn trọng
Mình thì không hiểu về đầu tư nên chỉ gửi tiết kiệm. Thời gian tới nếu có điều kiện mình sẽ học thêm về phần này. Nếu bạn muốn thử các kênh đầu tư như chứng khoán, tiền ảo, nhà đất… mình nghĩ bạn nên tìm hiểu kỹ để có kiến thức cần thiết. Đặc biệt là không nên dùng quỹ khẩn cấp vào việc đầu tư nhé. Hãy đầu tư khi đã có một số tiền rảnh rỗi nhất định (từ quỹ tiết kiệm chẳng hạn).
Gia tăng nguồn thu nhập
“Đừng bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ”. Thay vì chỉ tập trung vào một nguồn thu nhất định, mình đang học cách đa dạng nguồn thu để hạn chế rủi ro và tạo ra thu nhập thụ động. Các nguồn thu nhập hiện tại của mình đang có ở: lãi tiết kiệm, xây dựng khóa học, Affiliate Marketing. Mình nghĩ rằng để đa dạng nguồn thu nhập, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu từ Affiliate Marketing – đây là hình thức kiếm tiền thụ động cực kỳ hiệu quả trong thời gian gần đây.
Liên tục đánh giá tài chính gia đình
Đừng để đến cuối tháng mới bắt đầu xem lại chi tiết các khoản chi tiêu. Vì lúc ấy, rất có thể bạn đã chi nhiều hơn mức cần thiết. Hồi đầu mới lập mục tiêu quản lý tài chính, mình cũng gặp sai lầm y chang. Sau đó, khi tìm hiểu thêm thì mình mới biết rằng nên đánh giá liên tục vào cuối mỗi tuần. Điều ấy giúp mình điều chỉnh lại chi tiêu trong tuần tới kịp thời nếu tuần này có lỡ tay tiêu nhiều quá.
Theo mình, việc quản lý tài chính sẽ không quá khó nếu bạn biết chọn lọc nhu cầu của bản thân. Xem xét xem nhu cầu nào thực sự cần thiết, nhu cầu nào chỉ là sở thích nhất thời. Hạn chế chi tiêu vào các khoản như: quần áo, cà phê, mua sắm… Lựa chọn mua sắm tiết kiệm hơn vào các dịp khuyến mãi hoặc sử dụng đồ secondhand. Đồng thời, việc liên tục tối ưu hóa các phương pháp trên sẽ giúp bạn thấy ngay hiệu quả. Tuy nhiên, bạn sẽ cần thời gian để thích ứng.
Nếu thấy quá khó khăn, hãy thiết lập từ mục tiêu nhỏ đến lớn để đảm bảo cuộc sống ổn định. Bắt đầu từ việc tiết kiệm 1 triệu/tháng chẳng hạn! Thử ngay nhé!
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy
ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên
blog/
fanpage Chuyện của Trà.
Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.