Em à, chị viết cho em những dòng này khi vừa an ủi bé em làm bài thi không tốt.

Em ý đã bật khóc ngay khi rời khỏi phòng thi vì sợ rằng mình sẽ trượt. Em sợ rằng mình không thể đỗ vào ngôi trường hạng A mơ ước, không thể có được tương lai rực rỡ như bản thân mong muốn. Em cảm thấy tương lai phía trước thật là mờ mịt, thật là kinh khủng.

Chị hiểu những điều này vì chị cũng như em, cũng từng là một sĩ tử, đối mặt với kỳ thi THPT, đại học đầy căng thẳng. Việc thi cử với chị là một nỗi sợ lớn đến mức bây giờ chị vẫn thường xuyên mơ đi thi mà chưa học gì, đi thi mà trễ giờ, đi thi mà không làm được bài. Có lần tỉnh dậy chị còn thảng thốt đi tìm cặp và sách để định lao đến trường. Cho đến khi nhìn thấy con gái đang ngủ bên cạnh mới choàng tỉnh, mới biết là mơ thôi.

Áp lực từ bố mẹ, áp lực từ thầy cô, áp lực từ xã hội cứ trút hết lên đôi vai gầy guộc, cứ dồn nén trên đôi vai của chúng ta mỗi khi kỳ thi tới. Nào là thi chuyển cấp, thi học kỳ và bây giờ là thi THPT, đại học. Trước những kỳ vọng về cuộc sống, chị thấy rằng, ngay cả các em cũng đang tự tạo áp lực cho mình, phải học trường cao, phải học ngành hot thì mới có tương lai tươi sáng.

Nó khiến các em mệt mỏi vì thức khuya, dậy sớm học dành,
mệt mỏi vì những áp lực bủa vây từ bốn phía,
mệt mỏi với những kỳ vọng của bản thân,
mệt mỏi với những thay đổi liên xoành xoạch của nội dung chương trình,
mệt mỏi với cả những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh.

Và cứ thế, nó khiến các em nghĩ rằng: MÌNH KHÔNG THỂ THẤT BẠI – THẤT BẠI ĐỒNG NGHĨA LÀ CHẤM HẾT. Nhưng liệu có phải vậy?

Để chị kể với em, hồi thi đại học, dù cũng học khá tốt trước đó nhưng chị chỉ học trường đại học ở tỉnh lẻ. Trong khi lớp chị có rất nhiều bạn học cũng bình thường nhưng lại đỗ những trường nổi tiếng ở Hà Nội. Điều ấy cũng khiến chị chạnh lòng, khiến chị cảm thấy thất bại, thua kém. Chị cũng rất lo sợ với tấm bằng đại học ở ngôi trường chẳng có tên tuổi gì khiến cuộc sống của chị trở nên nghèo khó và túng thiếu.

Nhưng rốt cuộc thì sao?

Càng học, càng làm, càng giao tiếp với nhiều người, chị càng thấy không phải cứ học ở trường hạng A là sẽ thành công và không phải học ở trường thấp hay trượt đại học thì sẽ thất bại.

Như bản thân chị, dù học ở tỉnh lẻ nhưng chị vẫn đi làm từ Sài Gòn ra Hà Nội. Hiện tại chị đang làm freelance writer với mức lương hơn 30 triệu/tháng. Trong khi rất nhiều người bạn của chị, học trường hot ở Hà Nội mà mức lương vẫn chỉ 10 – 15 triệu/tháng mà thôi.

Chị nhận ra rằng thi trượt đại học, phải học cao đẳng, trung cấp hay ngay cả không học đại học cũng không sao. Điểm số không tạo nên giá trị con người.

Một tấm bằng đại học hạng A có thể giúp các em có được tấm vé thông hành tốt hơn khi đi xin việc. Nhưng để có được thành công, tạo ra sự nghiệp với thu nhập đáng mơ ước thì nó không phụ thuộc vào tấm bằng ấy. Mà nó phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm, năng lực của em. Nó phụ thuộc vào vốn sống, thái độ và những nỗ lực phát triển bản thân không ngừng của em.

Đừng quá nặng nề hay u sầu về chuyện không được vào đại học hạng A, không thể đỗ đại học để rồi dằn vặt, mặc cảm và tự ti. Vì ở độ tuổi này các em có thể thử, có thể sai, có thể vấp ngã. Quan trọng là cách các em đối diện, vượt qua và phát triển trong tương lai.

Chị tin rằng, khi ở độ tuổi của chị, các em sẽ cảm thấy cám ơn những vấp ngã ấy. Bởi vì nhờ vậy các em mới có thêm kinh nghiệm, kiến thức, có được sự mạnh mẽ để học cách đứng lên.

Thất bại một kỳ thi

Hãy để trượt đại học chỉ là một lần vấp ngã chứ không phải là thất bại. Hãy coi đó là động lực để học hỏi nhiều hơn, phát triển nhiều hơn. Thất bại hôm nay chính là thành công cho ngày mai.

Chỉ cần em tiếp tục tin tưởng vào chính mình, tiếp tục cố gắng và nỗ lực không ngừng. Tương lai ra sao là do em quyết định chứ không phải là một tấm bằng đại học đâu nhé!

Các em đã cố gắng nhiều rồi. Bây giờ là lúc để nghỉ ngơi, thư giãn và tận hưởng quãng thời gian tuổi trẻ đẹp đẽ, chuyện tương lai cứ để sau.

Ôm em thật nhiều!

Thủy Trà

 

5/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.