Để trở thành một cây viết thành công, yếu tố bạn cần không chỉ là viết. Bạn cần phải trang bị cho mình 7 tố chất cần thiết dưới đây!
Trong cuốn sách Khiêu vũ với ngòi bút, Joseph Sugarman đã chia sẻ rằng: “Để trở thành copywriter, bạn cần kiến thức. Có hai loại kiến thức. Đầu tiên là kiến thức rộng hay tổng quát và thứ hai là kiến thức cụ thể hay mục tiêu.” Kiến thức tổng quát là những kiến thức chung ở nhiều lĩnh vực. Còn kiến thức cụ thể là kiến thức chuyên sâu ở một lĩnh vực nào đó.
Theo mình – một người có kinh nghiệm hơn 5 năm trong nghề viết, thì những kiến thức trên không chỉ cần với một copywriter mà nó còn cực kỳ cần thiết với những bạn muốn trở thành một cây viết chuyên nghiệp. Vậy làm sao để có thể trang bị cho mình những kiến thức trên? Hãy bắt đầu trang bị cho mình 7 tố chất cần thiết dưới đây.
Luôn tò mò với cuộc sống
Tất cả những cá nhân xuất chúng trong lĩnh vực sáng tạo đều là những người kỹ tính trong việc thu thập và ghi chú các ý tưởng. Văn hào Mark Twain luôn mang theo bên mình một cuốn sổ tay để ghi chú lại những ý tưởng bất chợt. Cựu tổng thống Mỹ Thomas Jefferson có thói quen ghi chú lại mọi điều thú vị ông nhìn thấy, từ sự lớn lên của các loài cây và hoa trong vườn cho đến những sự kiện lớn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Ngay cả một đạo diễn lừng danh như George Lucas – “cha đẻ” của loạt phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) – cũng luôn “kè kè bên mình” một cuốn sổ ghi chú mỗi khi làm phim.
Nhà văn Đặng Hoàng Giang cũng từng chia sẻ về điều này như sau: “Để trở thành người viết sáng tạo bạn phải luôn nuôi dưỡng trí tò mò bằng cách: luôn luôn quan sát, hiếu kì về những điều mới lạ, luôn đặt ra những câu hỏi tại sao và miệt mài đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc. Cách tốt nhất hãy nhìn mọi thứ dưới con mắt của một đứa trẻ để quan sát, tìm những điều hay ho và ghi hết chúng lại, đó sẽ là nguồn tài nguyên viết sau này. Và biết đâu đấy, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy cuộc đời bỗng trở nên thật lạ thường với trí tò mò không dứt đó.”

Đọc không ngừng
Dù bạn viết bằng tiếng Việt hay tiếng Anh, bạn cần phải là chuyên gia về ngôn ngữ mình sử dụng. Và để có thể viết ra những dòng chữ vừa chuẩn mực, dễ hiểu lại vừa sáng tạo, bạn cần phải có một vốn từ vựng thật rộng và chắc.
Từ những từ ngữ được sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày cho đến các ngôn từ trang trọng và thuật ngữ chuyên môn của nhiều ngành như: dân công sở, ngôn ngữ “teen,” ngôn ngữ của dân giang hồ, chợ búa. Bạn còn cần phải biết phân biệt cách diễn đạt thông thường và cách diễn đạt hoa mỹ, phân biệt văn nói và văn viết…
Vốn từ vựng của bạn càng nhiều, bạn càng có nhiều sự lựa chọn trong việc sáng tác những câu slogan, khẩu hiệu, tiêu đề quảng cáo và bản thảo sao cho thật mạch lạc, sáng tạo, ấn tượng và hấp dẫn được công chúng.
Xem thêm: 5 cuốn sách mà bất cứ cây viết nào cũng cần nếu muốn nâng cao kỹ năng viết lách
Thích nhiều thứ
Một người thích nhiều thứ là những người thường hứng thú với nhiều chủ đề trong cuộc sống. Bản thân mình cũng là một người thích nhiều thứ. Mình thích ca hát nhưng cũng thích viết lách, mình thích làm Marketing nhưng cũng thích làm MC, mình thích may vá nhưng cũng thích kinh doanh. Trong đó, viết lách là thứ mình thích và gắn bó lâu nhất (đến giờ vẫn chưa chán).
Nếu bạn vẫn nghĩ đây là một nhược điểm thì có thể bạn đã lầm rồi nhé. Đối với viết lách, là một người thích nhiều thứ sẽ cho bạn khả năng thích nghi tốt với những sản phẩm, dịch vụ khác nhau. Nó sẽ cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị để viết được nhiều lĩnh vực hơn, từ đó gia tăng cơ hội nghề nghiệp. Đồng thời, vì là một người thích nhiều thứ, vậy nên bạn có thể nhìn cuộc sống dưới nhiều góc độ khác nhau từ đó tìm được cách tiếp cận thú vị cho một vấn đề.
Thích nhiều thứ sẽ là tố chất cần thiết cho những bạn muốn trở thành cây viết tự do. Bởi khi bạn trở thành một freelance writer bạn sẽ phải học cách vận hành công việc của mình như một doanh nghiệp để tạo ra thu nhập tốt hơn. Bạn sẽ phải vừa viết, vừa quảng bá, vừa thiết kế, vừa tư vấn, vừa quản lý tài chính… Do vậy, “thích nhiều thứ” sẽ giúp bạn có thể thoải mái học hỏi các kỹ năng khác nhau.

Một người thích nhiều thứ cũng có cơ hội trở thành người sáng tạo, quản lý hoặc một người kết nối ở công ty nhờ khả năng đa dạng của mình.
Tuy nhiên, để cho việc “thích nhiều thứ” này không biến thành nhược điểm bạn cần chọn ra cho mình một lĩnh vực chính để tập trung phát triển thành một kỹ năng chuyên nghiệp. Sau đó mới vận dụng tố chất ‘thích nhiều thứ’ của mình để phát triển rộng hơn.
Khả năng quan sát tốt
Khác với việc quan sát bằng bản năng, kỹ năng quan sát là cách bạn quan sát các vấn đề, hiện tượng một cách có chủ đích, rồi ghi nhớ, xâu chuỗi và rút ra những lưu ý, những điều liên quan để vận dụng giải quyết vấn đề một cách tối ưu và nhanh chóng.
Việc trở thành “thánh soi” sẽ giúp bạn nhận ra những chi tiết nhỏ, thú vị từ cuộc sống. Nó cũng giúp bạn có thể thấu hiểu tâm tư và tình cảm của mọi người tốt hơn thông qua cử chỉ, hành động và những biểu hiện trên gương mặt. Nhờ vậy giúp bạn nhận ra bản chất vấn đề nhanh hơn, hiểu tâm lý người dùng tốt hơn để từ đó tìm ra những phương pháp, ý tưởng sáng tạo độc đáo.
Kỹ năng quan sát và đúc kết kinh nghiệm cũng giúp bạn mài giũa trực giác của mình, giúp bạn có thể nắm bắt được những xu hướng một cách nhanh chóng hay lựa chọn insight chuẩn xác. Từ đó, gia tăng hiệu quả của bài viết.
Không ngừng trải nghiệm
Trải nghiệm không chỉ đem lại hiểu biết, kỹ năng và kinh nghiệm thực tế, mà nó còn giúp bạn thỏa mãn trí tò mò, hiểu về bản thân, để khai phá những tiềm năng ở bên trong. Trải nghiệm sẽ giúp bạn trưởng thành về suy nghĩ, bồi đắp tâm hồn. Từ đó, tạo nên chất liệu viết quý báu, giúp bài viết trở nên thực tế, độc đáo và hữu ích hơn.
Như chia sẻ ở bài: Hành trình từ cô sinh viên sư phạm Toán đến công việc Content Leader cho tạp chí ẩm thực – Nếm quá trình trải nghiệm cuộc sống, công việc ở Thái Nguyên, Sài Gòn, Hà Nội đã giúp mình hoàn thiện bản thân, học hỏi những điều mới. Từ đó cải thiện khả năng viết lách để trở thành một cây viết chuyên nghiệp.
“Người sống nhiều nhất không phải người sống lâu năm nhất mà là người có nhiều trải nghiệm phong phú nhất.”- Jean Jacques Rousseau
Khả năng lắng nghe tốt
Trong cuốn sách “Quảng cáo quyến rũ”, Pierre Martineau đã nói rằng: “Một câu chuyện quảng cáo có khả năng khơi gợi được sự liên tưởng trong tâm trí khách hàng, khiến họ nhìn thấy chính mình trong đó, và cho họ thấy được giá trị của bản thân thông qua sản phẩm, bài viết đó đã thành công và chắc chắn sẽ gặt hái doanh số khủng!”
Và để làm được điều ấy, không có yếu tố nào khác ngoài việc bạn cần biết cách lắng nghe và tổng hợp.
Lắng nghe khách hàng để tìm hiểu về nỗi đau, mong muốn và nhu cầu của họ. Họ cần gì từ sản phẩm, quá trình sử dụng có gặp vấn đề gì không, họ muốn sản phẩm cải tiến hơn ở điểm nào? Lắng nghe người tạo ra sản phẩm để hiểu về quá trình họ tạo nên sản phẩm hoàn thiện: lý do họ tạo nên sản phẩm, cơ chế hoạt động của sản phẩm, họ mong muốn người dùng cảm nhận như thế nào về sản phẩm?

Lắng nghe đối thủ để xem họ đang đi theo hướng nào, liệu bạn có học hỏi được gì từ họ hay cải thiện điểm nào đó để làm tốt hơn. Lắng nghe những câu chuyện trong cuộc sống để tìm thấy những điều thú vị, những mong ước thầm kín, những nỗi niềm ẩn giấu…
Tất cả sẽ giúp bạn có góc nhìn sâu đơn, đa chiều hơn để có được những chất liệu, ý tưởng viết quý giá.
Trong cuốn sách Khiêu vũ với ngòi bút, Joseph Sugarman cũng chia sẻ rằng nhờ việc quan sát và lắng nghe kỹ sư chia sẻ về sản phẩm ông đã tìm được những ý tưởng độc đáo cho bài quảng cáo.
Biết cách đặt câu hỏi
Liên tục đặt câu hỏi sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân, gốc rễ của vấn đề. Đó cũng chính là cách để bạn hình thành tư duy phản biện, giúp bạn có thể tiếp cận vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau hay tìm ra những ý tưởng mới độc đáo.
Việc liên tục đặt câu hỏi “tại sao” sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, tìm ra insight thầm kín của khách hàng. Việc liên tục đặt câu hỏi về sản phẩm giúp bạn hiểu rõ, nắm chắc những ưu nhược điểm của nó. Việc liên tục đặt câu hỏi với bản thân giúp bạn không ngừng tư duy và phát triển.
Nhà văn Đặng Hoàng Giang chia sẻ rằng: “Làm sao có thể tìm thấy câu trả lời trong khi bạn còn không hiểu câu hỏi là gì? Với bất cứ một vấn đề, hãy đặt câu hỏi làm sao cụ thể, ngắn gọn và dễ hiểu. Cũng giống như cách mà Newton hỏi: “Vì sao quả táo lại rơi từ trên cây xuống?” và đó chính là tiền đề để định luật vạn vật hấp dẫn ra đời.
Đặt câu hỏi thực chất là quá trình mở rộng tư duy, thúc đẩy sự sáng tạo, bởi vì đặt câu hỏi có thể dẫn dắt suy nghĩ, khiến bạn phải tìm hiểu, nghiên cứu và có thể tìm thấy bản chất cốt lõi của vấn đề. Đó cũng là cách để bạn có thể viết chuyên nghiệp hơn.”
Đến bây giờ bạn đã nắm được trong tay 7 tố chất cần thiết để trở thành cây viết thành công. Việc của bạn bây giờ là xem xem mình đang có những yếu tố nào để tập trung phát triển, đồng thời rèn luyện thêm những tố chất khác. Bạn không nhất thiết là phải đảm bảo được 7 tố chất cần thiết trên nhưng nếu có nó sẽ giúp bạn đi nhanh và xa hơn.
Bạn muốn được học, hướng dẫn kỹ thuật viết và nhận trợ giúp chi tiết. Tham khảo ngay khóa coaching 1:1 của mình tại đây.
Bài viết thuộc danh sách bài đăng tham gia thử thách 90 ngày viết lách. Khi mình tiếp tục xuất bản các bài viết trên blog hàng ngày, mình sẽ cập nhật danh sách này cho đến khi nó có thêm 89 bài viết khác. Theo bạn liệu mình có thể viết 90 bài blog liên tục trong 90 ngày không? Cùng theo dõi tại đây nhé.
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của Trà. Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.