Trà là một trong những đồ uống được yêu thích nhất trên thế giới. Không chỉ mang đến một thức uống thơm ngon mà nó còn có rất nhiều tác dụng với sức khỏe.
Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách, trà có thể gây ra những tác dụng tiêu cực như: thiếu sắt, chóng mặt, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu…
Dừng ngay 7 cách uống trà dưới đây để bảo vệ sức khỏe.
1. Không uống trà quá đặc hoặc quá nhiều
Lá trà tự nhiên có chứa caffeine. Khi bạn uống trà quá đặc hoặc quá nhiều sẽ dẫn tới việc nạp quá nhiều caffeine vào cơ thể sẽ gây ra cảm giác lo lắng, căng thẳng và bồn chồn hay nhiều người thường gọi là “say trà”.
Một tách trà trung bình (240ml) chứa khoảng 11 – 61 mg caffeine, tùy thuộc vào loại trà và phương pháp pha chế. Nghiên cứu cho thấy rằng lượng caffeine dưới 200mg/ngày hầu như không ảnh hưởng tới mọi người.
Tuy nhiên, một số người nhạy cảm hơn với tác dụng của caffeine thì cần phải hạn chế (xem thêm tài liệu nghiên cứu tại đây).
Không những vậy, trong trà còn có một loại hợp chất gọi là tannin, khi thường xuyên nạp tanin với lượng lớn sẽ cản trở sự hấp thụ sắt, lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu.
Lời khuyên: Nếu bạn nhận thấy có những triệu chứng trên, hãy giảm lượng trà hoặc thử thay thế bằng các loại trà thảo dược không chứa caffeine.
2. Không uống trà với đường và sữa thường xuyên
Trà kết hợp với đường và sữa đã tạo nên món “trà sữa” gây sốt trong giới trẻ suốt mấy năm gần đây, khiến nhiều người như phát cuồng, “nghiện” trà sữa đến nỗi ngày nào cũng phải uống. Tuy nhiên, loại đồ uống này lại chứa nhiều thành phần tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam chia sẻ: “Do chứa nhiều đường và calo, nên nếu uống quá nhiều trà sữa, có thể làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, thiếu hụt dinh dưỡng.
Đặc biệt, các bạn học sinh, đang là lứa tuổi cần tích lũy chất dinh dưỡng, uống quá nhiều trà sữa có thể gây thiếu hụt dinh dưỡng và ảnh hưởng đến sự phát triển. Nếu dùng thường xuyên trong thời gian dài, chúng sẽ gây thương tổn cho chức năng của gan, thận…
Ngoài ra, đồ uống này còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu các thành phần, nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.”
Một ly trà sữa có thể không có tác động đến sức khỏe, nhưng đây không phải là thức uống có thể sử dụng hàng ngày. Đặc biệt, các bạn không nên uống trà sữa thay bữa chính và cho trẻ nhỏ sử dụng trà sữa.
Lời khuyên: Nếu bạn thực sự yêu thích món trà sữa này có thể uống 1 lần/tuần và chuyển dần qua uống các loại trà hoa quả, các loại nước hoa quả.
3. Không uống trà ngay sau khi ăn
Uống trà ngay sau bữa ăn có thể giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng của cơ thể. Ngoài ra, nó còn gây đầy bụng, khó tiêu, tăng nguy cơ tích trữ các chất có hại cho cơ thể.
Nguyên nhân là do hợp chất tanin trong trà có khả năng phản ứng với các protein, khoáng chất và một số vitamin có trong thức ăn.
Protein và chất sắt trong thức ăn gặp acid tanin sẽ kết tủa, gây khó tiêu, giảm thấp khả năng hấp thụ protein và chất sắt. Lâu dần sẽ dẫn đến các triệu chứng như da xanh tái, chóng mặt, run, mệt mỏi…
Lời khuyên: Nên uống trà giữ các bữa ăn hoặc uống sau ăn 30 phút.
4. Không uống nước trà để lâu
Trà pha xong để thời gian lâu thì sẽ xảy ra quá trình oxy hóa polyphenol, chất béo, các chất thơm trong trà. Đó là lý do khi trà để lâu bạn thường thấy màu trà đậm hơn, có thể chuyển sang màu đỏ đục.
Lúc này, trà không chỉ mất đi vị thơm ngon mà các giá trị dinh dưỡng cũng giảm theo (vitamin C, vitamin P, Axit amin… đều đã giảm do quá trình oxy hóa). Trong khi đó, lượng caffeine và tanin trong nước trà tăng lên, tăng tính kích thích, gây khó chịu và đặc biệt không tốt với người bị bệnh gout và bệnh tăng acid uric.
Ngoài ra, nếu trà pha xong để quá lâu còn làm tăng số lượng vi sinh vật (vi khuẩn và nấm), dễ sinh bệnh cho con người.
Lời khuyên: Nên uống trà ngay sau khi pha hoặc giữ trà trong ngăn mát tủ lạnh, dùng trong ngày, không nên để qua đêm
5. Không dùng nước trà để uống thuốc
Các vitamin, chất tanin trong trà khi kết hợp với các dược chất trong thuốc sẽ dẫn tới các phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu. Đặc biệt là những thuốc trong thành phần có chứa sắt khi uống chung với nước trà sẽ không phát huy được tác dụng.
Lời khuyên: Hãy dùng nước lọc để uống trà và sau khi uống thuốc nên tránh uống trà ít nhất là 1h.
6. Không uống quá nhiều trà khi đang mang thai và cho con bú
Tiếp xúc với lượng lớn caffeine từ trà khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ biến chứng, chẳng hạn như sảy thai và nhẹ cân khi sinh (xem thêm tài liệu nghiên cứu tại đây).
Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và cho con bú không nên uống các chất có chứa caffeine vượt quá 200mg/ngày
Tổng hàm lượng caffeine trong trà thường ở mức 206.060mg mỗi cốc (240 ml). Do đó, tốt nhất các bạn không nên uống nhiều hơn khoảng 3 cốc (710 ml) mỗi ngày.
Lời khuyên: Hãy hạn chế việc uống trà khi đang mang thai hoặc cho còn bú. Nếu bạn vẫn thích uống trà, hãy tìm lời khuyên từ bác sĩ.
7. Không uống trà khi bị mắc các bệnh như: sỏi thận, loét dạ dày, cao huyết áp, suy dinh dưỡng, thiếu máu,…
Trong trà có chứa axit oxalic, sẽ kết hợp với canxi trong nước tiểu bài tiết,hình thành sỏi (canxi oxalate). Vì vậy, người bị sỏi tiết niệu được khuyến cáo không nên uống trà.
Trà là một loại chất kích thích bài tiết axit dạ dày. Uống trà có thể làm tăng lượng axit dạ dày, kích thích cho bề mặt loét, khiến bệnh tình tồi tệ hơn.

Các chất có trong lá trà đa số đều phải chuyển hoá qua gan. Nếu gan có bệnh, lượng trà uống vào quá nhiều so với khả năng chuyển hoá sẽ làm tổn thương các mô gan.
Một số chất trong trà có tác dụng phân giải chất béo. Vì vậy, thức uống này không thích hợp với người suy dinh dưỡng và nếu sử dụng thường xuyên sẽ khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Như đã nói ở trên, chất tanin trong trà có thể kết hợp với sắt để tạo thành các hợp chất không hòa tan, khiến cơ thể không nhận được đủ nguồn cung cấp sắt, vì vậy người thiếu máu không nên uống trà.
Lời khuyên: Nếu bạn có bất kỳ bệnh lý nào về sức khỏe hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng trà thường xuyên.
Trà là một trong những đồ uống phổ biến nhất trên thế giới. Nó không chỉ ngon mà còn mang đến nhiều lợi ích sức khỏe như: Chống oxy hóa mạnh, chống ung thư, tăng cường sức khỏe tim mạch, giúp đốt mỡ, bảo vệ răng miệng…
Tuy nhiên, trà chỉ phát huy tác dụng khi bạn dùng một cách khoa học, hãy bỏ qua ngay những thói quen trên bạn nhé!
——————–
Bạn quan tâm đến ẩm thực và muốn phát triển kỹ thuật viết lách trong lĩnh vực này?
Tham gia cộng đồng những cây viết về ẩm thực. Nơi cùng nhau học tập, chia sẻ, thảo luận, tìm kiếm các cơ hội liên quan tới viết lách, viết về ẩm thực tại: Yêu viết lách, mê ẩm thực.
Hãy đăng ký MIỄN PHÍ ngay ebook: “Hướng dẫn chi tiết cách viết nội dung ẩm thực” – tài liệu “cầm tay chỉ việc” để có thể trở thành cây viết ẩm thực và tự sáng tạo nội dung cho thương hiệu của mình TẠI ĐÂY.