Bạn đã hoàn thiện phần tiêu đề, mở đầu và thân bài. Bây giờ là lúc bạn viết kết bài để tạo nên bài viết hoàn chỉnh.
Đối với nhiều cây viết, viết kết bài là phần đáng sợ nhất, rất nhiều người đã thất bại. Họ chỉ cố gắng làm sao để kết thúc bài viết, sử dụng câu từ nửa vời hoặc lại tiếp tục trình bày nội dung. Trong khi phần kết bài ảnh hưởng lớn đến việc thúc đẩy người đọc tương tác như: chia sẻ, bình luận, để lại thông tin.
Không phải quá lo lắng về việc này vì dưới đây, mình sẽ giúp bạn có thể hiểu được những kiến thức cơ bản để viết kết bài thuyết phục.
Phần kết bài là gì?
Phần kết bài là đoạn nội dung kết thúc bài viết. Nó cho người đọc thấy bạn đã hoàn thành những gì bạn nêu ra ở đề bài, chứng minh các luận điểm và khép lại chủ đề. Đồng thời truyền cảm hứng cho người đọc để họ hành động.
Kết cấu phần kết bài
Thông thường phần kết bài sẽ có một kết luận ngược lại với phần mở đầu, chẳng hạn:
- Nếu bạn bắt đầu chung chung => hãy kết thúc cụ thể
- Nếu phần bắt đầu cụ thể => kết bài chung chung
Làm sao để viết kết bài thuyết phục?
Dưới đây là một số cách để kết thúc bài viết của bạn một cách hiệu quả.
Nhắc lại nội dung chính
Quay trở lại nội dung chính của bài viết là cách đơn giản nhất để viết kết bài. Đơn giản là chỉ cần trình bày nội dung chính theo một cách ngắn gọn. Nó có vẻ không sáng tạo lắm, nhưng nó hợp lý và hiệu quả. Chúng cho phép bạn củng cố thông điệp của mình và làm cho nó trở nên đáng nhớ.
Chẳng hạn, ở bài viết 6 thể loại content ẩm thực được ưa chuộng nhất hiện nay mình đã tóm gọn lại nội dung như sau: “Thể loại content ẩm thực rất đa dạng. Đó có thể là một bài blog chia sẻ công thức nấu ăn, một bài review món ăn, kịch bản video hay một cuốn sách nấu ăn…”
Cung cấp các bước tiếp theo
Hầu hết, các bài viết có thể thúc đẩy người dùng hành động là đưa ra được các bước tiếp theo, cung cấp hướng dẫn cụ thể cho độc giả biết cần phải làm gì với thông tin mà họ vừa nhận được.
Ở bài viết 101 việc cần làm trong đời, bạn đã có Bucket List của mình chưa? mình cũng sử dụng cách này để kết thúc bài viết như sau:
“Ngay bây giờ, bạn hãy tạo cho mình danh sách Bucket List – 101 việc cần làm trong đời của mình. Bạn có thể chia sẻ danh sách ấy trong phần bình luận để chúng mình cùng giao lưu nhé! Chúc bạn luôn đạt được những điều mình muốn!”
Đặt câu hỏi
Đặt các câu hỏi trong phần kết bài sẽ khiến tâm trí mọi người chuyển động, khiến họ kích thích tư duy phản biện và thảo luận về chủ đề của bài viết, để rồi khuyến khích họ bình luận.
Mình cũng đã sử dụng cách này trong bài viết Dành cho những bạn muốn trở thành food content writer – Nhưng không biết bắt đầu từ đâu như sau:
“Trở thành một blogger ẩm thực là cách dễ nhất để trở thành một food content writer. Nếu bạn yêu thích lĩnh vực ẩm thực và muốn theo đuổi nó, vậy thì còn chần chừ gì mà không bắt tay vào ngay thôi?”
Đưa ra một thử thách
Khuyến khích độc giả tương bằng cách đưa ra một thách thức nào đó. Mời họ chứng minh hoặc bác bỏ quan điểm của bạn, hoặc suy nghĩ về thông tin bạn đã trình bày theo một cách mới và sáng tạo hơn.
Hướng tới tương lai
Bằng cách vẽ ra một bức tranh tích cực về cuộc sống của họ nếu làm theo lời khuyên của bạn. Điều này sẽ khiến nhiều người áp dụng kiến thức của bạn để bắt tay vào hành động cho tương lai tươi sáng hơn. Và nhiều khả năng người đọc sẽ truy cập lại bài viết của bạn để sử dụng thông tin.
Chẳng hạn, ở bài viết Đừng bỏ qua 10 blog ẩm thực dưới đây nếu muốn viết khiến ai cũng thèm mình đã áp dụng công thức này để viết kết bài như sau:
“Thông qua việc đọc, quan sát và theo dõi các blog ẩm thực trên, bạn chắc chắn sẽ học được cách làm sao để viết công thức nấu ăn sao cho hấp dẫn và phát triển blog của mình một cách phong phú. Việc còn lại bây giờ là bắt tay vào hành động thôi. Chúc các bạn sớm có được blog ẩm thực cho riêng mình!”
Kết thúc bằng một câu trích dẫn
Nếu bạn có thể tìm thấy một câu trích dẫn có thể hỗ trợ cho bài viết của mình, hãy thoải mái sử dụng nó — miễn là nhớ ghi nguồn. Điều này sẽ giúp bạn kết bài thật dễ dàng đồng thời giúp bài viết truyền cảm hứng tốt hơn và khiến độc giả khi nhớ tốt hơn.
Chẳng hạn ở bài viết Trồng một cây xanh gieo mầm hạnh phúc mình đã mượn lời ca sĩ Hà Anh Tuấn để thay cho lời kết như sau:
“Khi chính tay ta làm một việc đơn giản, hiểu, sẽ thấy đời đẹp vô cùng.
Vì vốn dĩ, ta hay hời hợt và cho rằng chúng giản đơn.
Giống như tiền nhân hay nói, nhìn sâu trong một giọt nước sẽ thấy cả một dòng suối.
Sáng nay, nhìn thật lâu những gốc cây đầu tiên, tôi đã thấy cả RỪNG VIỆT NAM của chúng ta.”
Và đừng quên Call to Action – thúc đẩy người đọc hành động
Ví dụ như “hãy để lại một bình luận”, “hãy mua sản phẩm của tôi”, “hãy suy nghĩ nhiều hơn về điều này” hoặc là “Bạn hãy thử làm tương tự đi”. 80% bài viết là lý do của bạn và 20% còn lại sẽ là lời kêu gọi hành động của người đọc. Bạn cần phải có một mục đích rõ ràng cho nội dung bạn viết ra. Độc giả mục tiêu bạn muốn nhắm tới sẽ là người quyết định nó. Họ cần gì, muốn gì và họ thích bạn sẽ viết như thế nào.
Trên đây là một số cách để tạo viết kết bài thuyết phục. Bạn hoàn toàn có thể kết hợp nhiều cách khác nhau để tạo nên một kết bài hoàn chỉnh. Từ giờ, đừng bỏ mặc phần kết bài hoặc viết theo cảm tính, hãy áp dụng những cách trên để đạt được hiệu quả cao nhất nhé!
Nếu bạn muốn có những chỉ dẫn cụ thể để phát triển sự nghiệp viết lách của bản thân thì xem ngay gợi ý tại đây!
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.
Hãy tôn trọng cây viết và tác giả. Bạn có thể chia sẻ bài viết bằng cách nhấn nút “chia sẻ” trên blog/fanpage Chuyện của Trà. Mọi hình thức đăng tải lại (quá 25% bài viết) mà trích dẫn nguồn không rõ ràng (không để tên blog, tác giả, và không kèm link gốc) vì mục đích thương mại là không được phép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.