“6 bước tạo nên những bài viết về ký ức cuốn hút người đọc” là một bài tập trong khóa học 21 ngày viết khơi nguồn cảm hứng sáng tạo của mình chuẩn bị ra mắt. Mình giới thiệu lại ở đây, giúp các bạn có hướng dẫn kỹ hơn để tạo nên bài viết tham dự cuộc thi viết: Khoảnh khắc đáng nhớ trong group: Writers Vietnam – Xây dựng sự nghiệp từ viết lách. Nào chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Thông thường, những câu chuyện hay nhất là những câu chuyện mà chúng ta có thể kết nối và liên hệ với cuộc sống của mình. Rất nhiều nhà văn đã trở nên nổi tiếng khi sử dụng ký ức, kinh nghiệm sống và những quan sát hàng ngày làm chất liệu cho tác phẩm.
Trong đó, ký ức chính là nguồn chất liệu vô cùng phong phú và sống động. Khi viết về ký ức, bạn không chỉ khơi gợi lại những hình ảnh mà còn đánh thức các giác quan của mình hoạt động. Từ đó, tạo nên những bài viết chân thực, giàu cảm xúc và dễ dàng chạm tới người đọc – những người rất có thể có cùng những ký ức giống bạn.
Chính vì thế, ở bài tiếp theo của khóa học này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu “Cách viết về ký ức” để có thể tận dụng tối đa nguồn tài nguyên vô giá này cho việc sáng tạo nên những bài viết lôi cuốn người đọc.
Bước 1: Thu nhập ký ức
Hãy viết ra, một danh sách, tất cả các ký ức đáng nhớ trong cuộc sống mà bạn có thể nghĩ đến. Chẳng hạn:
- Lần đầu tiên làm việc gì đó
- Chuỗi ngày nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức của cuộc sống
- Khoảnh khắc đối mặt với những thất bại
- Những kỷ niệm đáng nhớ bên gia đình
- Khoảnh khắc đối mặt với sinh tử
- ….
Đây sẽ là nguồn tàu nguyên vô cùng quý giá để bạn bắt đầu những bài viết của mình.
Bước 2: Viết tự do
Nếu như viết về những chủ đề khác, bước đầu tiên là bạn phải đi thu thập tài liệu, lên bố cục bài viết thì viết về ký ức, bạn hoàn toàn có thể bắt đầu ngay vào viết.
Hãy lựa chọn chủ đề đầu tiên bạn nghĩ đến khi lập những danh sách bên trên và viết tự do về nó trong khoảng 10 phút (hoặc hơn). Hãy cho phép tâm trí của bạn đi lang thang. Hãy để tất cả những cảm xúc, kỷ niệm, hình ảnh ấy tuôn chảy trên trang giấy.
Đừng quan tâm đến cấu trúc, câu chữ, chính tả. Nó sẽ không hoàn hảo. Đây chỉ là những ghi chú đầu tiên của bạn, là những cảm xúc và hình ảnh chân thực nhất.
Nếu bạn thấy mình bị mắc kẹt khi viết, hãy tưởng tượng rằng mình đang kể câu chuyện này cho một người bạn khác. Nói to từng câu và sau đó viết ra những gì bạn đã nói. Hoặc sử dụng “Nhập liệu bằng giọng nói” của Googke Docs để chuyển tiếng nói của bạn thành chữ.
Bước 3: Xây dựng cấu trúc câu chuyện
Sau khi có được bản nháp đầu tiên thì đây là lúc bạn đi sâu hơn vào việc phát triển bài viết. Để bài viết chặt chẽ, logic, hãy xây dựng nên cấu trúc câu chuyện dựa trên những câu hỏi sau:
- Bạn muốn viết về điều gì?
- Bạn muốn người đọc cảm thấy thế nào? Hài hước, nhẹ nhàng, chậm rãi, sâu lắng hay bức xúc, khó chịu? Điều này sẽ giúp bạn đạt được sự nhất quán trong giọng văn.
- Những nội dung xoay quanh ký ức bạn muốn nói tới trong bài viết là gì?
- Câu chuyện này có mâu thuẫn, sự kiện nổi bật, khoảnh khắc thay đổi cuộc sống nào không?
- Bạn học được gì hay có sự thay đổi gì qua ký ức ấy? Điều này có thể là cách nghĩ, cách nhìn nhận về thế giới, con người, xã hội, môi trường, thay đổi lối sống hay quan điểm…
- Có lời khuyên lời nhắn nhủ nào bạn muốn mang tới cho người đọc không?
Bước 4: Sử dụng các giác quan của bạn
Ký ức không phải là một bức ảnh tĩnh. Đó là việc bạn hồi tưởng lại các cuộc hội thoại, âm thanh, khứu giác, thị giác, vị giác và xúc giác… Một ký ức được miêu tả lại với các giác quan phong phú sẽ giúp độc giả như đang được sống trong không gian ấy. Từ đó, giúp họ dễ dàng đồng cảm và bị lôi cuốn vào bài viết.
Bạn hãy xem lại ảnh, sổ lưu niệm hoặc dành thời gian tĩnh lặng và hồi tưởng lại ký ức để nó có thể xuất hiện sống động trong tâm trí. Sau đó, mô tả các sự kiện trong câu chuyện thông qua các cuộc hội thoại âm thanh, khứu giác, thị giác, xúc giác, vị giác.
Ví dụ: Tôi hít một hơi no căng mùi cỏ ngái (khứu giác) rồi nhìn về phía mặt trời đang le lói hiện lên phía cuối hồ. Từng tia nắng đỏ ối chiếu thẳng lên trời (thị giác). “Chắc hôm nay lại nắng to rồi”, tôi vừa ngáp ngủ, vừa nghĩ, vừa lững thững bước.
Con Luu cũng lững thững bước theo sau, thi thoảng lại dỏng mõm lên cắn với mấy con chó nhà bên đường làm ầm ầm (âm thanh) cả ngõ. Tức thì tôi quát:
– Luu về, về ngay!
Thế là nó biết điều, vẫy vẫy đuôi chạy lại dũi mõm vào chân tôi (xúc giác) nịnh nọt. Tôi nói:
– Mày mà không ngoan tao cho mày về đấy!
Đi bộ một hồi thì cũng đến ruộng. Tôi lấy hết sức giương cuốc lên cao để nó vập thật sâu vào bờ và lật ra một mảng đất lớn. Rồi thêm vài nhát nữa tôi đã mở cửa ruộng xong xuôi cho nước chảy vào. Nước buổi sáng mát rượi (xúc giác), trong vắt (thị giác), rủa cái tay xong là cũng tỉnh cả ngủ.
Bước 5: Bổ sung nhịp đập cảm xúc
Viết về ký ức là một hành trình đầy cảm xúc. Nó đặc biệt không phải vì nó đã xảy ra, mà là nó chứa đựng những cảm xúc bạn đã trải qua. Và việc ghi lại những thay đổi cảm xúc thông quan sự kiện trong quá khứ sẽ giúp bạn tạo nên nhịp điệu của bài viết.
Đây là một sự kiện: “Ngày hôm đó, tôi đã bị mẹ đánh cho một trận nhừ tử”. Và sự kiện này đã ảnh hưởng đến câu chuyện/cuộc sống của nhân vật như thế nào? “Tôi tự hỏi, không biết liệu mình có phải con ruột của mẹ hay không? Vì cứ hở ra một tí là đánh, làm sai là roi, điểm kém là vọt, không vừa ý là chửi bới… Nói thật tôi không tìm được mấy niềm vui bên mẹ trong suốt những ngày tuổi thơ đó. “ Đây chính là nhịp đập cảm xúc của bài viết.
Hãy nhớ liên kết các sự kiện với cảm xúc của bạn tại thời điểm ấy để tạo nên một câu chuyện thú vị và chân thật hơn.
Bước 6: Hoàn thiện và chỉnh sửa bài viết về ký ức
Cuối cùng hãy bổ sung những bước trên vào bản nháp đầu tiên của bạn và chỉnh sửa lại cho hoàn chỉnh. Bạn nên chỉnh sửa ít nhất 3 lần ở những thời điểm khác nhau (sau khi viết, sau khi viết 1h, 6h…) để đảm bảo bài viết được hoàn thiện tốt nhất.
Bây giờ là thời điểm tuyệt vời để bạn bắt đầu tạo nên bài viết về ký ức của riêng mình. Hãy nhớ, tập trung vào cảm xúc và các giác quan, đừng quan tâm đến kỹ thuật. Hãy để cho mạch cảm xúc trong bạn được tuôn chảy và kể lại câu chuyện của bạn với người đọc như cách bạn đang trò chuyện với bạn bè. Đừng quên bổ sung lời khuyên và lời nhắn nhủ tới người đọc để họ có thể nhận thêm giá trị từ bài viết của bạn. Nếu có gì thắc mắc hãy nhắn lại mình nhé!
Bài tập hôm nay: Sử dụng các bước trên để viết về một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc sống của bạn. Sau đó đăng tải nó trong cuộc thi viết: Khoảnh khắc đáng nhớ tại group: Writers Vietnam – Xây dựng sự nghiệp từ viết lách
Thủy Trà
Bạn yêu thích bài viết này? Hãy ủng hộ cho Chuyện của Trà để mình có thể tiếp tục đem đến các bài viết chất lượng hơn một cách MIỄN PHÍ.